Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa Phát Hà Nội: Đừng để chiến thắng đánh lừa

Theo TT&VH| 04/03/2010 14:38

Có chiến thắng thuyết phục. Có cả những chiến thắng nhờ may mắn, hoặc bất ngờ. Mạch chiến thắng của HPHN mà HLV Thành Vinh đạo diễn mang tên gì?

Nó không phải là chiến thắng thuyết phục. Người Hòa Phát hạnh phúc và nở nụ cười sau 3 trận đấu gần đây nhất (2 V-League và 1 Cúp QG), mà vẫn không giấu được sự gượng gạo và cả sự dồn nén của phập phồng thở, của sự nơm nớp lo, của sự hồi hộp chờ hết giờ.

HPHN là một tân binh, vừa trở lại từ hạng Nhất, mục tiêu là trụ hạng, nên 3 điểm sau mỗi trận đấu là điều đáng kể nhất. Triết lý đó không sai. Bóng đá thực dụng thống trị đó đây trên thế giới. Nhưng họ lại là đội bóng có tới 5 Tây trên sân (2 cầu thủ ngoại nhập tịch) và có những thời điểm đáng ra họ phải chiếm ưu thế tuyệt đối.

HPHN (trái) cố gắng nhét 5 “tây” vào sân, nhưng đá như gà mắc tóc.


Trận đấu với Lam Sơn Thanh Hóa họ hơn về người trong 2/3 quãng thời gian. Tiền vệ Văn Hiển chơi bóng bằng tay không cần thiết vừa giúp HPHN có bàn thắng san bằng tỉ số vừa chơi hơn về người. Thực tế, Lam Sơn Thanh Hóa chơi như chấp thêm 1 người nữa khi Silva bị kéo về đá tiền vệ đã chơi theo ý thích của mình. Nhưng HPHN không có sự chủ động về mặt thế trận, không vượt trội về thời gian cầm bóng, và cũng không nhỉnh hơn về số cơ hội.

Lam Sơn Thanh Hóa 2 lần vươn lên dẫn trước và HPHN ăn lại 3 bàn nhờ cả 3 tình huống cố định và là sự phát sáng của các cá nhân. Cú đánh đầu lái bóng của Đình Hưng sau quả phạt góc là ngạc nhiên với chính hậu vệ cánh từng bị HN T&T loại bỏ. Cú đá phạt của Văn Vinh là pha bóng đáng chú ý nhất của riêng anh suốt trận.

Sơ đồ 4-5-1 với quá nhiều các tiền vệ thiên về phòng ngự, chỉ để mình Eduardo cắm ở tuyến trên khiến HPHN thiếu về nhân sự và thiếu hẳn các ý tưởng phối hợp hay những pha tấn công đường nét.

Sự cấn cá “trâu yếu” hay tư tưởng cố đấm ăn xôi
“Đã là “tây” thì đương nhiên phải hơn và phải dùng”. HLV Thành Vinh chưa từng công khai nói như vậy, nhưng cách làm của ông thì rõ ràng: luôn bắt đầu trận đấu với 2 cầu thủ nhập tịch và 3 cầu thủ ngoại để có tới 5 “tây” trong đội hình xuất phát. Một thói quen dễ lý giải và không chỉ riêng ông trong làng bóng Việt mới nghĩ thế. Nói nôm na là “yếu trâu thì vẫn hơn khỏe bò”. Chạy nhiều hơn, bật cao hơn, xoạc bóng mạnh hơn, các cầu thủ ngoại luôn thế.

Nhưng bóng đá không chỉ có thế, và từ xa xưa, nó chưa bao giờ được so sánh với điền kinh hay môn vật còn vì bóng đá có nhiều kỹ năng khác và cả tư duy chiến thuật phức tạp hơn.

HPHN khi đá với 5 “tây” thiếu đường nét so với chính nó khi chỉ đá với 3 hoặc 4 “tây” trước kia, mà nguyên nhân thì không chỉ là năm trước đá hạng Nhất còn năm nay đá V-League. Mấu chốt là ở vị trí của Phan Lê Issac cả trận hầu như chỉ chạy rông tìm chỗ đứng cho đúng vị trí ở trung tâm hàng tiền vệ. Hay Kleber không hoàn tất được vai trò tiền vệ đá cao nhất, làm cầu nối và đôi khi, để sẵn sàng biến thành tiền đạo ảo. Thậm chí, ở trận mới rồi, khi có thêm cầu thủ nội vào sân, họ đá lại khả dĩ hơn.

HPHN đang đầy ải hàng loạt cầu thủ nội trên ghế dự bị, có cả những người đã chơi rất cừ ở mùa trước và cả những người đã khiến họ tốn hàng tỉ đồng để mua về. Này là Hữu Hoàng. Này là Huỳnh Nhật Thanh. Này là Trọng Lộc. Và mới đây Văn Vinh mới được đá chính. Tất cả đều là tiền vệ trung tâm. Chỉ vì họ không là cầu thủ ngoại nhập tịch!

Dĩ nhiên, thắng xấu vẫn hơn rất nhiều thua đẹp. Nhưng từ thắng xấu, nhất là thắng may tới thua thất vọng, ai dám bảo là khoảng cách không nhỏ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Phát Hà Nội: Đừng để chiến thắng đánh lừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.