Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa nhịp đập con tim!

Trần Hương| 10/10/2014 05:46

(HNM) - Tháng 10 heo may, giữa lòng TP Điện Biên Phủ dường như phảng phất hương thu Hà Nội. Đi trên con đường mang tên Võ Nguyên Giáp, tôi chợt thấy lòng mình nao nao ùa về bao cảm xúc.


Người Hà Nội xây dựng Điện Biên

Những ngày này, nắng trải vàng khắp thung lũng Mường Thanh. Làng xã, phố phường nơi nào cũng rợp màu cờ đỏ. 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên đang nô nức chào đón sự kiện 105 năm thành lập tỉnh, 65 năm thành lập Đảng bộ tỉnh. Như một sự trùng lặp ngẫu nhiên và duyên nợ, Hà Nội cũng đang vui mừng hân hoan tổ chức kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Thời gian này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghe những giai điệu về mùa thu Hà Nội hẳn trong trái tim của những người con đất kinh kỳ xa xứ sẽ có giây phút trùng lòng mình khi nhớ tới Thăng Long. Một trong số những người ấy, có người con của mảnh đất Hà thành, đang sinh sống tại Điện Biên. 

Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ thực hành tin học.


Ông Đỗ Vũ Xô, hiện trú tại tổ 1, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ (ông sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Năm 1963, Đoàn Thanh niên Tháng Tám (Thủ đô Hà Nội) có 600 thanh niên đều gốc Hà thành đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tình nguyện lên Tây Bắc xây dựng Điện Biên. Những công trình ghi dấu tên tuổi của những thanh niên Hà Nội ngày đó là đại thủy nông Nậm Rốm, đập Huổi Phạ, hồ Pá Khoang, hồ Hồng Sạt. Cánh đồng Mường Thanh ngày ấy, chỉ canh tác được một vụ lúa mùa. Sau nhờ có những công trình thủy lợi của 600 thanh niên người Hà Nội mà cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc với diện tích hơn 140km2 mới có đủ nước tưới tiêu để nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên canh tác hai vụ. Đó là niềm tự hào của thế hệ chúng tôi đã cống hiến cho mảnh đất Điện Biên Phủ Anh hùng.

Ngừng trong giây lát, đôi mắt ông Xô mơ màng nhớ về quá khứ. Nâng chén trà, nhấp từng ngụm nhỏ, đoạn ông tâm sự: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các anh chị em trong đoàn đều trở về Hà Nội, riêng tôi và gần chục người nữa tình nguyện ở lại Điện Biên. Thấy vậy, bạn bè, gia đình nhiều người bảo tôi "gàn dở" nhưng tôi thẳng thắn: "Tôi đã gắn bó máu thịt với Điện Biên, đã cùng đồng đội chung tay góp sức xây dựng nhiều công trình trên mảnh đất này. Tôi muốn ở lại đây sinh sống để chứng kiến thành quả mà mình và đồng đội đã đổ mồ hôi, xương máu…".

Bạn cùng thời với ông Đỗ Vũ Xô là ông Tống Văn Minh (tổ 2, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) từng là thanh niên xung phong, cũng gốc người Hà Nội lên định cư ở Điện Biên từ những thập niên 60 của thế kỷ trước. Mỗi lần gặp nhau, họ lại tự hào kể về Hà Nội 36 phố phường và hẳn trong mỗi người ai cũng thấy bâng khuâng. Theo lời ông Minh thì hiện nay thế hệ những thanh niên xung phong người Hà Nội trên đất Điện Biên còn khoảng 15 người, những năm trước thì nhiều hơn, cũng có người đã mất, cũng có người đã hồi hương.

Nhưng với những người con Hà thành trên đất Điện Biên, họ luôn thấy trong tim mình ấm áp, bởi những kỷ vật của Hà Nội luôn hiện hữu trên mảnh đất này, từ những công trình thủy lợi đến trường học, di tích và cả những hiện vật. Vì lẽ đó mà hình ảnh Thủ đô văn hiến luôn ấp ủ trong tim những người con xa Hà Nội và trong trái tim của cả người Điện Biên.

Dấu ấn Hà thành nơi cực Tây Tổ quốc

Nếu gian nan là điều kiện để thử sức người thì tình đoàn kết là điều kiện cho mọi thành công. Chính bởi lẽ đó mà ngày 1-10-1967, TP Hà Nội và tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) đã tổ chức lễ kết nghĩa gắn hai mảnh đất Huyền thoại - Anh hùng. Trải qua 47 năm, mối tình "anh - em" keo sơn đó vẫn luôn được nhân dân Thủ đô và đồng bào các dân tộc Điện Biên nâng niu trân trọng bằng những hoạt động thiết thực đầy ý nghĩa. Một trong những việc làm ấy là Hà Nội hỗ trợ Điện Biên xây dựng Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, ngôi trường đã dìu dắt bao người con cực Tây Tổ quốc lớn khôn. Ngôi trường ấy đã, đang và sẽ mãi là công trình mang dấu ấn sâu đậm của người dân Thủ đô trên mảnh đất miền biên viễn xa xôi này.

Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ khi mới thành lập mang tên Trường Cơ sở thị trấn Điện Biên, được đầu tư xây dựng 20 phòng học vào năm 1984 bằng nguồn vốn của Xổ số kiến thiết Thủ đô. Với sự hỗ trợ ấy, nơi đây trở thành ngôi trường khang trang nhất, có điều kiện dạy và học tốt nhất thời bấy giờ của tỉnh Lai Châu (cũ). Đến năm 1994, trường chính thức được đổi tên thành Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ và giữ tên ấy đến bây giờ.

Nhiều năm qua, ngôi trường gắn liền hai mảnh đất Hà Nội - Điện Biên Phủ đã trở thành "cánh chim đầu đàn" trong hệ thống trường tiểu học trên địa bàn Điện Biên về chất lượng giáo dục học sinh. Tỷ lệ học sinh giỏi của trường chiếm trên 50% và có nhiều em trở thành nhân tố quan trọng trong các lớp nguồn của cấp học THCS và THPT tỉnh Điện Biên và trường được công nhận đạt Chuẩn quốc gia mức độ I năm 2004, mức độ II vào năm 2012. Cùng với đó, nhiều năm liền nhà trường dẫn đầu phong trào dạy và học của toàn tỉnh và được coi như "trường điểm" của TP Điện Biên.

Cũng trong đợt kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), để thể hiện tấm lòng tri ân của chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đối với quân và dân của mảnh đất Anh hùng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Đoàn công tác của Thành ủy đã trao tặng tỉnh Điện Biên 10 tỷ đồng để xây dựng trường học tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Và còn nhiều công trình khác nữa của người dân Hà Nội đã thiện nguyện sẻ chia với Điện Biên mà chúng tôi chưa có dịp để xướng tên.

Hà Nội - Điện Biên đã trở thành niềm tự hào cho những người con đang sinh sống trên mảnh đất nghìn năm văn hiến và 19 dân tộc anh em. Trong mỗi bước đi của Điện Biên hôm qua, hôm nay và mai sau luôn có Thủ đô sát cánh, chi viện sức người, sức của đóng góp một phần không nhỏ để làm nên Điện Biên tươi đẹp, hào hùng. Đây sẽ là động lực để các dân tộc anh em trên mảnh đất lịch sử anh hùng vươn lên trong mọi gian khó, xây dựng một Điện Biên giàu đẹp của tương lai.

Chiều muộn, tia nắng chéo phía tây hắt lên hình rẻ quạt. Cánh đồng Mường Thanh đang vào mùa chín rộ. Người Điện Biên lại vui mừng trong mùa lúa bội thu. Để có được thành quả ấy, người dân nơi đây mang nặng nghĩa tình người Hà Nội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đất Mường Thanh lại thành danh với thương hiệu gạo tám, chắc hẳn ngoài những hy sinh lớn lao của các anh hùng, những liệt sĩ vô danh còn là công lao đóng góp của 600 thanh niên gốc Hà Nội năm nào. Phải chăng hạt gạo tám Điện Biên dẻo thơm một phần nhờ lẽ đó và có biết bao trẻ em các dân tộc được học dưới những ngôi trường khang trang, nhờ tấm lòng thảo thơm của người Hà Nội.

Chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau trong chiều thu vàng Tây Bắc, có gì đó như đang gợi lại những tháng ngày gian lao, bi tráng, hào hùng. Điện Biên, phố phường cờ hoa đỏ thắm, trường học vang vang tiếng trẻ học bài. Đồi A1, Him Lam, Mường Phăng, Bản Kéo… khách thập phương tấp nập viếng thăm; để tưởng nhớ tri ân, để chia sẻ những đau thương mất mát.

Điện Biên hôm nay, dẫu chưa thể hết khó khăn nhưng được "người anh" Hà Nội sẻ chia gian khó, nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn cũng đang gắng mình, nỗ lực vươn lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hòa nhịp đập con tim!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.