Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa nhập cộng đồng với học sinh có HIV: Nói dễ, làm khó

Thống Nhất| 10/12/2011 07:53

(HNM) - Sự thiếu hiểu biết về cơ chế lây lan của căn bệnh HIV/AIDS ở hầu hết phụ huynh hiện nay chính là rào cản đến trường lớn nhất của các em kém may mắn. Việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người liên quan đến HIV/AIDS đang được coi là một trong ba mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến ngày 10-12) tại Việt Nam năm nay, nhưng lại là điều không dễ.


Gian nan đường đến trường

Chúng tôi tìm đến nhóm Hoa Sữa Hà Nội để tìm hiểu cuộc sống của những đứa trẻ dù khỏe mạnh nhưng không thể có cuộc sống bình thường như những người bạn cùng lứa vì sớm phải chịu những ác cảm, dị nghị và sự xa lánh của mọi người. Câu chuyện của mẹ con chị Nguyễn Thị Bến, một thành viên của nhóm xảy ra cách đây đã gần 5 năm, song nỗi bức xúc xen lẫn tủi thân vẫn lộ rõ trên gương mặt, trong giọng nói của chị. Quả thực, khi ấy, một người dũng cảm lên tiếng về căn bệnh thế kỷ do bị lây từ chồng như chị không nhiều, song với người phụ nữ này, điều ấy là cần thiết và rạch ròi, để mọi người thêm hiểu và sẻ chia với nỗi khổ của những người cùng cảnh ngộ với chị. Nhưng vì hành động dũng cảm ấy mà con của chị ngay khi bước chân vào trường mầm non đã gặp phải thái độ phản đối quyết liệt. Đích thân hiệu trưởng đã "áp tải" mẹ con chị đi xét nghiệm, song 3 lần xét nghiệm với kết quả âm tính của đứa trẻ cũng chưa đủ sức làm thay đổi quyết định của những người liên quan. Cuối cùng, nhờ sự can thiệp từ nhiều phía, con chị nay đã học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng.

Nội dung giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép vào chương trình giảng dạy giá trị sống của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Bảo Lâm


Đó là một trong số không nhiều trường hợp còn là may mắn. Tìm hiểu thực tế thì thấy, con đường đến trường không chỉ gập ghềnh với chính bản thân các em mà còn gập ghềnh cả với các thầy, cô giáo bởi sự thiếu hiểu biết, kỳ thị của nhiều người. Để hai HS theo được đến lớp 5 tại trường như hiện nay, thầy giáo Nguyễn Hữu Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Đồng (Long Biên) đã trải qua những tháng ngày vô cùng vất vả. "Tai nạn" xảy ra khi các em vào lớp 1, được học hòa nhập, một trong hai HS này trong lúc nghịch ngợm đã cắn một bạn trong lớp. Lặn lội khắp các bệnh viện, trung tâm, tìm gặp cả những chuyên gia y tế để tìm hiểu về nguy cơ lây nhiễm suốt cả tuần, thầy Tùng còn nhận ra, chính nhân viên ở nơi này - khi mới chỉ nghe đề nghị được tư vấn về HIV - đã không hề ý nhị khi ngồi cách xa thầy tới cả chục mét và nói chuyện qua ô cửa kính!

Hòa nhập mới chỉ là hình thức

Trên thực tế, chưa hề có sự đồng thuận của phụ huynh HS với việc đi học của HS nhiễm HIV; thậm chí có một thông điệp mang tính áp đặt rằng, nếu nhà trường tạo điều kiện cho HS nhiễm HIV đi học thì họ sẽ cho con nghỉ học hoặc chuyển trường. Đây là điều không vị lãnh đạo trường nào mong muốn, nhưng làm sao để thuận cả đôi đường?

Sau khi nhận hai bé nhiễm HIV vào học, cô giáo Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức) đã vận dụng đủ mọi tài liệu, vốn hiểu biết và cả các quy định của luật pháp để các em được học tại trường, song phụ huynh đều lần lượt cho con nghỉ học, không ít người làm đơn xin chuyển trường. Cuối cùng, cô đành quyết không cho HS nào chuyển trường và "dọa": Liệu con em các vị có thực sự được an toàn khi chuyển đến nơi học mới hay ở đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro hơn bởi những HS nhiễm HIV chưa được công bố danh tính? Thực tế cuộc sống của người dân nghèo vùng bán sơn địa khi có không ít người mang căn bệnh thế kỷ về từ những chuyến mưu sinh ở các miền đất xa đã khiến phụ huynh phải suy nghĩ lại.

Nhưng đó là trường hợp hiếm hoi. Việc học hòa nhập của nhiều HS nhiễm HIV đều mới chỉ là hình thức. Cách đây 5 năm, tại Ba Vì đã có 12 HS mang HIV được học hòa nhập tại Trường Tiểu học Yên Bài, nhưng rồi việc này không duy trì được bao lâu bởi sự phản ứng gay gắt của phụ huynh. Hiện nay, trường có hơn ba chục em nhiễm HIV theo học, hình thức là hòa nhập, nhưng bản chất là chuyên biệt, các em phải học riêng lớp, riêng điểm trường, chỉ tham gia sinh hoạt với các bạn vào giờ chào cờ. Trước đó, vì muốn tạo điều kiện cho các em học cùng điểm trường với các bạn, hiệu trưởng đã nhường hẳn phòng làm việc của mình làm lớp học cho các em, song vẫn thất bại, vì phụ huynh phản đối. Còn tại Trường Tiểu học Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), sau một thời gian dài vất vả, việc học của một HS nhiễm HIV đã tạm suôn sẻ, song ban giám hiệu nhà trường vẫn lo ngay ngáy khi cái sự suôn sẻ ấy đang lộ rõ tính mong manh.

Một trong những căn nguyên được chỉ ra - mới nghe có vẻ khó thuyết phục - là công tác tuyên truyền. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hợp Tiến Trần Thị Bình thẳng thắn cho rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền là cần thiết, song tuyên truyền như thế nào cho đúng và hiệu quả càng cần thiết hơn. Tuyên truyền mạnh, tuyên truyền không đúng cách khiến người dân hiểu sai về căn bệnh HIV/AIDS. Thực tế, không ít người coi HIV là con "ngáo ộp", là con "ma chết người", vì thế nên tránh càng xa càng tốt. Nhiều người lại chỉ chú tâm đến những biểu hiện, hậu quả của bệnh, còn khi được hỏi về các con đường lây truyền, cách phòng tránh thì hoàn toàn mù mờ. Cũng vì vậy mà khi phát hiện ở trường con mình học có HS nhiễm HIV thì phần lớn phụ huynh đều tìm cách đẩy đi. Ngay như những người làm nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, có kiến thức về HIV hẳn hoi mà còn xử sự với thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Đồng như thế, nói gì đến người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa nhập cộng đồng với học sinh có HIV: Nói dễ, làm khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.