(HNM) - Con tàu vượt sóng xuyên màn đêm đưa chúng tôi đến khu vực Phúc Tần - thuộc Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mới hơn 4h sáng, biển mịt mùng.

Căng mắt theo hướng tay chỉ của người thủy thủ mới thấy đốm sáng nhập nhòe - nơi ấy có những cán bộ, chiến sĩ đang bám trụ tại các nhà giàn DK1 trên vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, giữ gìn sự bình yên cho biển đảo quê hương…

Vẫn xanh giữa bão giật, nắng cháy

Gần hơn chút nữa, đã thấy dáng lênh khênh, vững chãi của "cái chòi" giữa mênh mông biển khơi. Giương máy lên định ghi lại những hình ảnh đầu tiên đành lực bất tòng tâm bởi vẫn chưa đủ sáng để có bức ảnh ra hồn. Đành đợi đến khi sáng hẳn và thầm mong sóng đừng to, gió đừng lớn để xuồng chuyển tải có thể cập nhà giàn. Danh sách vào nhà giàn đã được xướng lên qua hệ thống loa phóng thanh. Vui mừng khôn xiết khi cánh báo chí được ưu tiên đi chuyến đầu. Cài lại quai dép, chuẩn bị đồ nghề thật gọn nhẹ, sẵn sàng ra mạn tàu xuống xuồng chuyển tải, gặp nụ cười thật tươi và lời động viên của chiến sĩ trên tàu HQ 996: "Nhà báo gặp may nhé, mới đi lần đầu mà đã được lên nhà giàn. Có người đi đến 6 lần cũng chỉ được ngó lên thôi. Hôm nay sóng to, cẩn thận đấy!".

Lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dù đã được nhà tàu hướng dẫn cẩn thận từng động tác nhưng vừa mới kịp bám tay vào thang nhà giàn, chân chưa kịp bước lên đã có một con sóng ngầm chồm tới. Chới với. Buông tay. Lần đầu tiên tôi được nếm mùi ngã trên xuồng. Chưa kịp ngẩng đầu lên khỏi mặt sàn đầu tiên, đã nghe giọng nói ấm áp, đầy lo lắng của một sĩ quan trên nhà giàn: "Em có làm sao không, tay rớm máu rồi kìa". Cười thật tươi trấn an các anh, ngó xuống mới biết chiếc vòng đá mẹ tặng từ ngày học phổ thông giờ đã ở lại với biển.

Vượt qua cảm giác chuếnh choáng vì độ cao, hai đầu gối bớt run, tôi leo lên những bậc thang dốc đứng của nhà giàn DK 1-2. Giống như một cài chòi lớn được đặt trên 4 cột trụ thép cắm sâu vào lòng biển, nhà giàn nơi tôi đến có kết cấu 3 tầng, tầng 2 là nơi sinh hoạt, họp hành. Phần trên chủ yếu bằng sắt thép, bậc cầu thang cũng là những mảnh thép mắt cáo mà ngó xuống đã thấy sóng biển dập dờn phía dưới táp vào chân cột trụ đang dần bị nước biển mặn ăn mòn. Ngẩng lên trời xanh cao tít tắp, chợt thấy mình bé nhỏ và thương hơn những người lính nhà giàn.

Vẫn những làn da sạm đen vì nắng gió đại dương đã gặp ở Trường Sa, các chiến sĩ nhà giàn bận rộn, kiên nhẫn trả lời vô số câu hỏi của những người đất liền lần đầu được ghé thăm. Từ những sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm, trồng rau đến việc luyện tập của các chiến sĩ trên diện tích bé nhỏ giữa đại dương - tất thảy đều lạ lẫm. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều cố bước thật nhẹ, làm anh Dưỡng - một sĩ quan nhà giàn tôi mới kịp biết tên - cười vui nói: "Đây là thế hệ nhà giàn thứ 3 rồi, vững chắc lắm, mọi người an tâm. Hỏi ra mới biết, so với thế hệ nhà giàn đầu tiên có kết cấu dạng pông - tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng sắt) đặt lên nền san hô thì nhà giàn nơi tôi đang đứng là một niềm mơ ước lớn. Nhà giàn hiện đã có hệ thống pin mặt trời, có máy phát điện. Nỗi nhớ đất liền, "bệnh" thèm nghe trực tiếp tiếng nói của người thân, bạn bè như đã có "thuốc chữa" bởi mạng di động Viettel đã vươn ra phủ sóng tại đây.

Khoe vườn rau xanh um, mát mắt giữa cái chói chang gay gắt của nắng trời, Thiếu tá Đậu Đình Phú cho biết, những hạt giống rau đất liền gửi ra, được ươm trong những hộp xốp và được các chiến sĩ nâng niu từng ngày. Để có rau xanh, mùa gió thổi mạnh, anh em phải bưng từng thùng trồng rau chuyển hết vị trí này sang vị trí khác để rau khỏi bị nắng thiêu cháy. Nước ngọt ở đảo đã là của quý nhưng ở nhà giàn nó lại càng quý, càng hiếm. Vậy mà, chiến sĩ có thể không tắm nhưng rau xanh thì đều đặn mỗi ngày vẫn được tưới đủ cơ số nước cần thiết. Nhìn giàn mồng tơi mướt mát, lá dày, to như bàn tay mà chỉ cần khoảng 5 lá thôi đã đủ một bát canh, một chiến sĩ bật mí: "Được tưới đủ nước ngọt, thỉnh thoảng lại được bón thêm cá tươi băm nhỏ nên rau mới tốt rứa đó".

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai", lời hát đó thật đúng khi nói về những chiến sĩ đang làm việc tại các nhà giàn. Người ít thì trụ dăm ba năm, người nhiều như Thiếu tá Trang Hải Âu, Chỉ huy nhà giàn có tới 16 năm gắn bó. Vòng tay ôm thật chặt và lời hỏi thăm của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa: "Vẫn ở đây à" dành cho sĩ quan Đậu Đình Phú - người gần 10 năm nay vẫn bám biển khiến mọi người trong đoàn rưng rưng.

Thiếu tá Trang Hải Âu cho biết, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng các hoạt động luyện tập sẵn sàng chiến đấu, mọi chế độ sinh hoạt luôn được đơn vị thực hiện nghiêm túc như các đơn vị quân đội trên đất liền. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cao, anh em vẫn không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là chuyên ngành ra đa, thông tin, hàng hải, vũ khí, với mục tiêu phấn đấu ''giỏi một ngành, biết nhiều ngành'' và có thể thay thế nhau trong những trường hợp cần thiết.

Đồng đội ơi! Hãy cho chúng tôi được khóc

Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng "Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ" trên thềm lục địa phía Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (DK1). Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng - thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Quan trọng hơn, đó là việc chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho hoạt động khai thác tài nguyên từ thềm lục địa như dầu khí, thủy, hải sản, hàng hải... Với mệnh lệnh "Bằng bất cứ giá nào chúng ta cũng phải giữ cho được thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc", những người lính Hải quân Lữ đoàn 171 đã lên tàu ra khơi, trấn giữ vùng biển chủ quyền của đất nước. Hơn 20 năm, giữa mênh mông đại dương, các anh đã cống hiến cả tuổi trẻ, sức xuân. Có những người đã vĩnh viễn ở lại với biển khơi...

Nhà giàn.

Trên boong tàu HQ 996, lễ tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh ở thềm lục địa phía Nam được cử hành trang trọng. Giọng nói trầm, ấm của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa như nghẹn lại: "Giờ này, Đoàn công tác đang có mặt tại khu vực Phúc Tần thuộc vùng biển thềm lục địa phía Nam. Chúng tôi bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ đến các đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên, trọn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Trong thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng đội ơi! Hãy để cho chúng tôi được khóc những giọt nước mắt nhớ thương, cảm phục, tự hào, để nhắc nhở chúng tôi, dưới đáy biển lạnh giá nơi đây vẫn còn đồng đội đang nằm đó, để sống tốt hơn, đẹp hơn".

Những vòng hoa mang theo từ đất liền, những dây hoa trắng do các chị, các em trong Đoàn phụ nữ quân đội kết tối hôm trước được Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa cùng nhiều thành viên trong đoàn công tác thả xuống biển trong điệu nhạc "Hồn tử sĩ". Những dây hoa trắng cứ mãi dập dềnh trên sóng biển xanh. Nước mắt đỏ hoe, một thành viên nam trong đoàn còn gửi tới các anh cả một nắm bút và giấy viết...


Hơn 20 năm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK 1 đã ra đi vĩnh viễn vì bão tố, phong ba. Trận bão ác liệt những năm 1990, 1996, 1999 và 2000 làm đổ một số nhà giàn, khiến những người lính đuối sức trong cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Giữa thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, lính nhà giàn vẫn nhường nhau phao cứu sinh, miếng lương khô cuối cùng, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Phó Chỉ huy về Chính trị Nhà giàn DK1-3 Phúc Tần đã nhận về mình sự hy sinh như thế trong cơn bão tàn phá cuối mùa ngày 5-12-1990. Trong cơn bão số 8 năm 1999, Đại úy Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A/DK1/6 Phúc Nguyên, đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà xuống tàu về đất liền an toàn, còn mình và Nguyễn Văn An ở lại thu cất tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người, rồi mãi mãi ở lại giữa lòng biển sâu. Liệt sỹ Nguyễn Văn An ra đi, để lại người vợ hiền và đứa con nhỏ mới sinh chưa kịp nhìn mặt bố... Gửi lời chào "vĩnh biệt đất liền" không một chút ưu tư, suy tính, Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc, rồi nằm lại mãi mãi với biển khơi. Đó là những tấm gương dũng cảm của Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Tư, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sỹ Nga, chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trực chốt kiên cường và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những bông hoa của biển - những người con ưu tú của Tổ quốc đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế đấy.

Tháng Tư, đang vào mùa biển lặng nhưng đã có sóng cấp 5. Chúng tôi ngậm ngùi ở trên tàu để mắt dõi về các nhà giàn tuy rất gần nhưng không thể vào được. Hệ thống nhà giàn xây lưng vào nhau, tạo thành một thế trận vững chắc trên thềm lục địa phía Nam, bao bọc phía trong là những mỏ Rồng, Bạch Hổ... Ở vị trí này, tọa độ này, là thềm lục địa, là vùng lãnh hải thiêng liêng không thể xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.

Một chuyến đi với những trải nghiệm khó quên. Về đất liền cả tháng trời mà tôi vẫn ngất ngư say với những vần thơ đầy cảm hứng của Thiếu tướng Trần Đình Nhã "Chênh vênh quá nhà giàn giữa biển/Bốn cột chống trời, bốn cột bám biển khơi... Chúng tôi đến rồi đi, các anh còn ở lại/Vẫn thương anh đứng trụ tháng năm dài"...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa của biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.