Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa bình trên nền tảng lòng tin

Đình Hiệp| 02/06/2013 05:35

(HNM) - Làm thế nào để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực khi những thách thức an ninh ngày một diễn biến phức tạp...

Kế tục truyền thống 11 lần tổ chức trước, Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tiếp tục là diễn đàn đa phương về hợp tác an ninh thực chất và hữu ích nhất ở khu vực. Bất chấp một loạt vấn đề nóng trong khu vực chưa được giải quyết như: Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Hoa Đông và Biển Đông… sự hiện diện của các quan chức cấp cao cùng hơn 350 đại biểu đến từ 27 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tại khách sạn Shangri-La ở Singapore cho thấy, hợp tác để hướng tới một nền hòa bình và an ninh đích thực giờ đây không chỉ là mong muốn, trọng tâm ưu tiên của mỗi quốc gia mà còn trở thành xu thế không thể đảo ngược.

An ninh được siết chặt tại khu vực tổ chức Hội nghị.


Là nhân tố quan trọng trong định hình cũng như đề xuất các giải pháp cho an ninh khu vực cũng như toàn cầu, thế nhưng lịch sử Đối thoại Shangri-La chưa lần nào lại đề cập tới nhiều vấn đề thời sự an ninh cấp thiết liên quan tới tất cả các quốc gia như lần này. Một loạt vấn đề thời sự đang thu hút sự quan tâm của khu vực và cả thế giới như: Cách tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn ngừa xung đột; hiện đại hóa quân đội và minh bạch chiến lược; những xu hướng mới trong an ninh Châu Á - Thái Bình Dương… đã được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc đối thoại quan trọng này.

Với vị trí địa - chiến lược quan trọng - tập trung ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - các chính sách an ninh của ba trụ cột này luôn thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh Châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới. Khó có thể phủ nhận rằng, chính sách ngoại giao hướng tới Châu Á của Washington cũng như tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nhất là các tranh chấp lãnh hải của Bắc Kinh với một số quốc gia sẽ không tác động đến tình hình an ninh khu vực.

Không phải ngẫu nhiên thách thức an ninh hàng hải cũng như tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông một lần nữa trở thành mối quan tâm lớn đến vậy tại diễn đàn đa phương này. Trong đó, tự do hàng hải ngày càng gắn với lợi ích kinh tế biển của mỗi quốc gia càng khiến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tiếp tục là câu hỏi được các nước có chủ quyền cũng như các nước có lợi ích liên quan đặc biệt quan tâm. Với hơn 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông là câu trả lời vì sao những tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này ngày càng diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc các nước ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là hết sức cần thiết.

Lần đầu tiên là khách mời chính của Đối thoại Shangri-La, phát biểu đề dẫn trong phiên khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cử tọa đặc biệt quan tâm không chỉ là định hướng những nội dung chính cho cuộc đối thoại lần này mà còn cho thấy quan điểm rõ ràng của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung; trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Đặc biệt tuyên bố lần đầu tiên khẳng định Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước hết là trong lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự cho thấy vai trò, trách nhiệm thật sự của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu.

Không ít tuyên bố, cam kết cũng như giải pháp được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La 12 nhằm giải quyết những thách thức an ninh khu vực đang nổi lên. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, những thách thức này chỉ có thể giải quyết được bằng nỗ lực, thiện chí và quyết tâm cao của tất cả các quốc gia trên nền tảng lòng tin. Trong một thế giới đa cực khi lợi ích quốc gia luôn bị thử thách thì việc xây dựng hòa bình dựa vào lòng tin còn có nghĩa là phải tuân thủ luật pháp quốc tế; đề cao trách nhiệm quốc gia trong thực thi hiệu quả các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Đây chính là thành công nổi bật như một tiếng nói chung tại Đối thoại Shangri-La 12 vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa bình trên nền tảng lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.