Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa bình ở Trung Đông: Trở ngại từ thiếu lòng tin

Trung Hiếu| 01/10/2011 06:34

(HNM) - Tuần qua, tình hình Trung Đông trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Một lần nữa hòa bình, hợp tác tiếp tục được khẳng định là xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế hôm nay.

Ngay sau khi Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas chính thức đệ đơn lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (23-9) đề nghị công nhận đầy đủ quy chế Nhà nước Palestine là thành viên thứ 194 của tổ chức lớn nhất hành tinh này, thế giới đã có nhiều phản ứng. Trước hơn 120 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước dự kỳ họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, cần phải phá vỡ thế bế tắc hiện nay cho vấn đề Trung Đông. Người Palestine khao khát về một nhà nước độc lập, Israel cần an ninh. Như vậy, cả hai đều mong muốn hòa bình. LHQ cam kết sẽ thực thi các nỗ lực không mệt mỏi nhằm giúp hai bên đạt được mục tiêu hòa bình thông qua cơ chế đối thoại.

Kế hoạch xây dựng 1.100 căn hộ mới tại Khu tái định cư Gilo ở Đông Jesusalem của Israel đang là trở ngại lớn với hòa bình Trung Đông.

Tuy nhiên, nền hòa bình Trung Đông không thể trở thành hiện thực nếu chỉ dựa vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Nó cần có sự hợp tác, cùng chung sức của cả người Palestine lẫn người Israel. Nhưng xem ra sự thể lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Ngay sau sự kiện nhà lãnh đạo Palestine M.Abbas nộp đơn lên LHQ, ngày 27-9, Israel đã công bố quyết định cho phép xây dựng 1.100 nhà ở mới cho người định cư Do Thái ở Đông Jerusalem. Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã khẳng định sẽ không "ve vãn" người Palestine quay lại bàn đàm phán hòa bình bằng quyết định đình chỉ xây dựng các khu định cư Do Thái (ám chỉ tới một lệnh tạm đình chỉ xây dựng các khu định cư trong 10 tháng song đã hết hiệu lực vào tháng 9-2010). Cũng trong ngày 27-9, nhân dịp lễ hội Năm mới của người Do Thái, Bộ Quốc phòng Israel đã thông báo áp đặt lệnh phong tỏa chặt khu Bờ Tây cho tới 12 giờ đêm ngày 1-10. Theo đó, trong thời gian này, người Palestine sẽ không được phép đến Israel, ngoại trừ các trường hợp nhân đạo hay những người cần điều trị y tế…

Hành động của Tel Aviv đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, kể cả những nước xưa nay vẫn ủng hộ Israel. Ngày 27-9, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, coi đây là hành động đi ngược các nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel. Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đều bày tỏ thất vọng về kế hoạch xây dựng khu định cư mới của Israel. Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh, động thái này của Tel Aviv đi ngược lại các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin giữa các bên. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton nêu rõ, việc mở rộng các khu định cư Do Thái làm tổn hại triển vọng thực thi giải pháp "hai nhà nước" được nhóm Bộ tứ về Trung Đông (gồm EU, Mỹ, Nga và Liên hợp quốc) ủng hộ. Trước đó, nhóm Bộ tứ đã kêu gọi Israel và Palestine nối lại hòa đàm trong vòng một tháng nhằm đạt được một thỏa thuận trước cuối năm 2012...

Lòng tin về nền hòa bình giữa người Palestine và Do Thái đang bị thử thách nghiêm trọng khi lệnh phong tỏa chặt khu Bờ Tây của Israel do lo ngại những hành động đánh bom, khủng bố và khu định cư Do Thái mới ở Gilo không phải là khu định cư đầu tiên được Israel xây dựng. Trong khi đó, phía Palestine khẳng định sẽ không đàm phán nếu Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine và sẽ thuộc nhà nước Palestine trong tương lai.

Trung Đông dường như vẫn chưa thể thoát khỏi các xung đột trong tương lai gần. Cả Israel và Palestine đều hiểu, đàm phán là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột; nhưng khi lòng tin chưa được tạo dựng, thì những cơ hội, dù chỉ là nhỏ nhất cũng khó có thể được tận dụng, khiến nền hòa bình Trung Đông vẫn còn ở đâu đó rất xa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa bình ở Trung Đông: Trở ngại từ thiếu lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.