Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa bình cho Ukraine: Hé mở hy vọng

Phương Quỳnh| 14/02/2015 06:48

(HNM)- Sau 16 giờ đàm phán nghẹt thở tại thủ đô Minsk của Belarus, Bộ tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã đạt được thỏa thuận quan trọng có thể coi là chìa khóa mở cánh cửa hòa bình cho đất nước bên bờ Biển Đen.

Trong bối cảnh tình hình chiến sự ở khu vực miền Đông Ukraine bùng phát trở lại với mức độ ác liệt chưa từng có và con số thương vong tiếp tục chồng chất sau khi thỏa thuận Minsk I được ký kết, có thể xem cuộc đàm phán này như là nỗ lực cuối cùng và cao nhất của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Ukraine. Giải pháp này cũng đem lại sự ổn định về mặt an ninh cho Châu Âu khi quan hệ Nga - phương Tây đang bị đẩy tới sát ngưỡng Chiến tranh lạnh. Đáng lo ngại hơn, để giữ được "thế cờ" trong cuộc "đọ sức" này, các bên liên quan đã tính đến việc đổ vũ khí sát thương vào "chảo lửa" vốn đang cháy ngùn ngụt.

Thỏa thuận Minsk II mang lại tia hy vọng hòa bình cho Ukraine.


Trên thực tế, cuộc gặp 4 bên được thúc đẩy trong thời điểm phương Tây đang còn chia rẽ về việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev với lý do điều đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này nghiêm trọng hơn. Tuy vậy, giới phân tích tin rằng, nếu cuộc đàm phán tiếp tục thất bại thì phe ủng hộ cung cấp vũ khí cho Kiev trong lực lượng phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ thắng thế. Do đó, cuộc gặp mặt giữa các nhà lãnh đạo 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine có tính chất quyết định cho những động thái tiếp theo mà các bên sẽ thực hiện. Hay nói cách khác, nếu không đạt được kết quả, cuộc khủng hoảng ở Ukraine rất có thể sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự ở quy mô rộng lớn hơn, viễn cảnh đáng sợ nhất mà nhiều người vẫn lo ngại.

Như vậy, cái bắt tay ở Minsk đã giúp tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến có nguy cơ kéo nhân loại vào những thảm họa không thể lường trước. Tuy nhiên, để hòa bình thực sự quay trở lại Ukraine, sẽ còn một chặng đường dài ở phía trước với một danh sách dài những công việc phải làm. Hiện tại, lòng tin của các bên liên quan đặt vào thỏa thuận Minsk II vẫn ở mức thấp. Sau hàng loạt căng thẳng, Nga và phương Tây vẫn đang ở trong tình trạng dè chừng lẫn nhau. Vì thế, ngay sau khi các lãnh đạo 4 nước công bố kết quả của đàm phán, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo, Liên minh Châu Âu (EU) sẵn sàng tiến hành những biện pháp tiếp theo ngoài những lệnh trừng phạt mà khối này đã áp dụng đối với Nga nếu thỏa thuận hòa bình mới về Ukraine bị vi phạm. Không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ cam kết mới nhất có thể chỉ tạo ra một khoảng lặng tạm thời để các bên củng cố lực lượng rồi sẽ tiếp tục lao vào một cuộc xung đột mới ở mức độ cao hơn. Như để chứng thực cho những quan ngại trên, ít giờ sau khi Minsk II được thông qua, những vụ pháo kích mới đã diễn ra tại các thành phố Donetsk và Luhansk làm 8 binh sĩ và 2 dân thường thiệt mạng. Tuy rằng, mật độ các vụ tấn công có thưa hơn so với thời điểm trước khi đạt được thỏa thuận, song không ai có thể chắc chắn, các bên sẽ giữ cam kết trong thời gian bao lâu.

Với kịch bản đã được xây dựng, có thể hiểu rằng, sẽ hình thành một vùng đệm với khoảng cách vài chục kilômét giữa khu vực Donetsk và Luhansk do lực lượng ly khai kiểm soát với phần còn lại do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, một Ukraine bị phân làm hai đã làm thỏa mãn những toan tính của các nước lớn trên bàn cờ chiến lược bên bờ Biển Đen hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Những diễn biến sau khi thỏa thuận Minsk II chính thức có hiệu lực từ 0h ngày 14-2 mới có thể giải đáp được câu hỏi: Liệu hòa bình có thực sự trở lại Ukraine hay không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hòa bình cho Ukraine: Hé mở hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.