(HNM) - Trong mỗi gia đình, đứa trẻ ra đời mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ duy trì nòi giống mà còn là chất keo gắn kết, bảo đảm cho hạnh phúc gia đình bền vững. Trước tình trạng tỷ lệ cặp vợ chồng vô sinh gia tăng, các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại đã và đang bù đắp khiếm khuyết, mang lại niềm vui đón nhận sự hiện diện của con trẻ trong mỗi gia đình.
* 10%-15% các cặp vợ chồng bị vô sinh
* Mỗi năm có từ 3.000 đến 3.500 trẻ ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
(HNM) - Trong mỗi gia đình, đứa trẻ ra đời mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ duy trì nòi giống mà còn là chất keo gắn kết, bảo đảm cho hạnh phúc gia đình bền vững. Trước tình trạng tỷ lệ cặp vợ chồng vô sinh gia tăng, các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại đã và đang bù đắp khiếm khuyết, mang lại niềm vui đón nhận sự hiện diện của con trẻ trong mỗi gia đình.
Gia tăng "sự bất thường"
Sáng 12-5, tại Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y), vợ chồng chị Trần Thị T., giảng viên một trường đại học ở Hà Nội khẩn thiết đề nghị TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm cho phép họ được áp dụng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) để có được đứa con, điều mà cả gia đình mong đợi. Vợ chồng chị T. (37 tuổi) có 2 con, nhưng cả 2 đã mất khi các cháu mới vài tháng tuổi, các bác sỹ cho rằng 2 cháu bị chuyển biến gen bất thường trên nhiễm sắc thể thường. Có nghĩa là cả 2 vợ chồng đều mang một gen bệnh nào đó nhưng không có biểu hiện bệnh (ở thể lặn) và sự kết hợp giữa họ cho ra những đứa con mang bệnh. TS Quản Hoàng Lâm đã tư vấn cho vợ chồng chị T., rằng họ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định TTTON bởi trường hợp của anh chị tiềm ẩn sự bất thường, cần phải làm thêm một số xét nghiệm khác nữa.
Các nhà khoa học làm việc tại Trung tâm Công nghệ phôi. |
Theo TS Quản Hoàng Lâm, đó chỉ là một trong những trường hợp bất thường về di truyền mà trước đây ít gặp, nhưng nay lại rất sẵn. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ để lại những hệ lụy mà con người phải gánh chịu, là sức ép mưu sinh, là công việc căng thẳng, là hiện tượng ô nhiễm môi trường từ khói bụi, chất độc, tia bức xạ, nhiệt độ tăng... Cùng với xu hướng kết hôn muộn so với trước kia, tuổi thọ tăng và những thói quen sử dụng thức uống, thuốc gây nghiện như thuốc lá, rượu... đã dẫn đến thực tế là số trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe ngày càng tăng. Trong quá trình mang thai của các bà mẹ và khi trẻ ra đời, các sự cố như chửa ngoài tử cung, thai chết lưu, sảy thai, trẻ bị dị dạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa... mỗi ngày một nhiều. Đặc biệt là tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng hiện nay đã ở mức 10-15% và đang có xu hướng tăng.
TS Quản Hoàng Lâm cho biết, một biểu hiện bất thường dẫn đến sự cố sinh sản hiện nay là chỉ tiêu về chất lượng tinh trùng đang xuống thấp. Theo công bố mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì số lượng tinh trùng của nam giới hiện nay giảm mạnh, chỉ còn 10 triệu con/ml trong khi chỉ số năm 1978 là 40 triệu con/ml. Tại Việt Nam, vô sinh nam chiếm 40%, 10% trong số đó có kết quả xét nghiệm tinh trùng yếu hoặc không có tinh trùng.
Hàng loạt công nghệ mới
Trong những năm gần đây, chuyên ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Hàng loạt công nghệ mới, tiên tiến đã được nghiên cứu, triển khai, áp dụng thành công ở Việt Nam. Kể từ ca TTTON thành công đầu tiên (năm 1997) đến nay, cả nước đã có 13 trung tâm TTTON với số ca điều trị vào khoảng 3.000-3.500/năm.
Riêng tại Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y), 2 cháu bé TTTON đầu tiên ra đời vào tháng 8-2002 và đến nay, sự hỗ trợ sinh sản đã giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có được 1.000 trẻ, trong đó có hơn 400 trẻ ra đời nhờ phương pháp TTTON. TS Quản Hoàng Lâm cho biết, mỗi năm Trung tâm thực hiện hơn 100 ca mổ MESA, bơm tinh trùng vào buồng tử cung cho hơn 800 lượt người và làm TTTON cho 200-300 người; xét nghiệm hơn 10.000 lượt, 500 lần thực hiện kỹ thuật chọc hút mào tinh lưu trữ tinh trùng, phôi, tỷ lệ thành công trong TTTON đạt 25-30%. Đặc biệt, Trung tâm là cơ sở đầu tiên của Việt Nam thành công trong kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, điều trị cho 10 trường hợp vô sinh nam thành công. Từ tháng 12-2007, khi cháu bé đầu tiên ra đời (cháu Lưu Ngọc Mai ở Bắc Giang) đến nay đã có thêm 5 cháu ra đời nhờ áp dụng kỹ thuật nói trên.
So với các nước xung quanh, các chỉ số về thể lực, sức bền... của người Việt Nam đều rất yếu, trong khi có tới 6,3% dân số bị khuyết tật, 1,5% bị thiểu năng trí tuệ. Bởi vậy, hỗ trợ sinh sản không chỉ là quan tâm tới việc làm thế nào cho các cặp vợ chồng có con, mà phải tập trung hỗ trợ cho những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh về thể chất, trí tuệ và khả năng thích ứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.