Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ người di cư tại Hà Nội

Thuận Thi| 10/04/2012 06:45

Những năm gần đây, di cư tự do ngày càng gia tăng vào Hà Nội, đặc biệt phát triển mạnh theo thời vụ. Đó là những người vào Hà Nội tìm kiếm việc làm trong thời kỳ nông nhàn hoặc sinh sống một thời gian rồi sau đó lại trở về quê.

Với tỷ trọng ngày càng tăng của dòng người di cư ra các đô thị lớn, bên cạnh việc phải sống trong điều kiện thiếu tiện nghi, việc làm không ổn định, người lao động ngoại tỉnh còn phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như thiếu hiểu biết về xã hội; các vấn đề tâm lý do xa gia đình; áp lực của cuộc sống thành thị; sự kỳ thị và phân biệt đối xử…

Trong bối cảnh đó, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Châu Á, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng - LIGHT đã xây dựng dự án "Nâng cao năng lực cho người lao động ngoại tỉnh". Dự án được khởi động từ tháng 4-2010 và kết thúc vào cuối năm 2011, nhằm nâng cao năng lực cho những người di cư, giúp họ tăng cường các cơ hội, khả năng tiếp cận với thông tin, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội. Một trung tâm thông tin cho người lao động ngoại tỉnh tại 123 Nghĩa Dũng (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) được thiết lập. Dự án đã xây dựng được đội ngũ đồng đẳng viên nòng cốt gồm 24 người. Tất cả được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng truyền thông, tin học, luật pháp, quản lý. Sau những khóa tập huấn, họ đã trực tiếp tham gia các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin cho cộng đồng, từng bước hỗ trợ, giúp đỡ cuộc sống của người di cư tại Hà Nội. Đã có 1.500 lượt người được cung cấp các thông tin cần thiết, 361 lượt khách hàng được cung cấp thông tin chuyên sâu tại những nơi họ đang làm việc. Kết nối người di cư được với 15 doanh nghiệp cần tuyển người . Đội ngũ đồng đẳng viên đã có 6 buổi truyền thông tại các bến xe Lương Yên, Giáp Bát, Gia Lâm thu hút hàng trăm lượt lái xe đến nghe. Tổ chức 5 buổi truyền thông tụ điểm tại Phúc Xá, Ngọc Khánh, Trường Trung cấp nghề Hoa Sữa. Tổ chức truyền thông tại quê hương người di cư như: Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Nam Định..

Cùng với truyền thông, dự án cũng đã tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu cuộc sống người di cư" và đã nhận được 60 bài viết, cùng nhiều tranh vẽ, ảnh chụp. Nhiều buổi tư vấn sức khỏe, tâm lý, pháp luật hoặc khám bệnh lưu động cũng được tổ chức lưu động tại nhiều địa điểm có người di cư. Từ sự trợ giúp của dự án, người di cư cũng đưa ra một mô hình mới do chính họ điều hành, đó là hợp tác xã di cư. Từ HTX này đã chia ra nhiều tổ: xe ôm; sửa chữa vật dụng cho gia đình; xe kéo; thực phẩm. Các thành viên từng tổ không chỉ hỗ trợ nhau trong công việc mà còn cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống để người di cư yên tâm lao động.

Anh Nguyễn Đình Tá (quê Thái Bình) cho biết, đã về Hà Nội làm được 3 năm 6 tháng. Tháng đầu anh chưa tìm được việc, sau có việc ổn định đã đưa vợ con lên. Hiện cả gia đình sống ở nhà trọ chật chội, môi trường sống khó khăn. Khi tham gia dự án, anh được đào tạo thêm kỹ năng sống theo các chủ đề: phòng chống HIV/AIDS, bạo lực gia đình, phòng tránh thai. Khu anh trọ có nhiều thành phần tệ nạn. Lúc đầu anh cũng thấy hoang mang, được tập huấn dự án, anh thấy vững tâm hơn và biết tránh xa những tệ nạn xã hội.

Có thể nói di cư là hiện tượng tất yếu trong cuộc sống. Cuộc sống càng hiện đại, dòng người di cư ngày càng tăng ở các thành phố lớn. Sự ra đời của dự án đã hỗ trợ cho người di cư có cuộc sống tốt hơn và cũng từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, ổn định kinh tế, chính trị và xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ người di cư tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.