(HNM) - Người dân được bảo vệ bởi lưới an sinh thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mang lại lợi ích cho nhiều phía. Do đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều trường hợp được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách này.
Thời điểm cuối tháng 6-2022, chính sách bảo hiểm xã hội thu hút gần 2 triệu lao động Thủ đô tham gia, đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi (38,7% tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 1,3% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện). Bảo hiểm y tế bao phủ 91,9% dân số, tương ứng với gần 7,5 triệu người tham gia. So với cùng kỳ năm 2021, số người tham gia các chính sách đều tăng. Kết quả này có được chủ yếu là nhờ các cơ quan chức năng cùng nỗ lực đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào đời sống. Trong đó, chiếm số đông người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng. Việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đúng người, đối tượng thụ hưởng góp phần tạo giá đỡ an sinh quan trọng, giúp nhiều trường hợp có “phao cứu sinh”.
Ông N.N.Đ (sinh năm 1942), trú tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) được ngân sách đóng bảo hiểm y tế trong nhiều năm liền. Sử dụng tấm thẻ bảo hiểm y tế được cấp để điều trị cùng lúc nhiều loại bệnh nặng trong những tháng đầu năm 2022, ông N.N.Đ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với số tiền gần 465 triệu đồng. Cũng là đối tượng được ngân sách đóng bảo hiểm y tế, thời gian gần đây, bệnh nhân N.M.H (sinh năm 2019), trú phường Phương Mai (quận Đống Đa) được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị bệnh suy giảm miễn dịch với số tiền hơn 645 triệu đồng...
Bảo hiểm xã hội tự nguyện dù triển khai chưa lâu, nhưng lợi ích thấy rõ. Vì chính sách này hướng đến nhóm lao động làm nông nghiệp, công việc tự do, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động. Với tất cả số người tham gia, tùy từng nhóm đối tượng, họ được thành phố hỗ trợ mức đóng bằng 10%, 25% và 30% mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng. Thậm chí, một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn còn được các cơ quan chức năng huy động nguồn lực xã hội để tặng sổ bảo hiểm xã hội có thời hạn cho họ. Điều này góp phần tăng sức hấp dẫn của chính sách, đồng thời tạo động lực cho người lao động nỗ lực làm việc, thêm thu nhập để có thể tự tham gia tiếp cho đến khi đóng đủ số năm theo quy định.
Anh Nguyễn Văn Quyết, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Cuốn sổ bảo hiểm xã hội được tặng vào cuối năm 2021 là món quà an sinh quý giá đối với tôi. Hiện nay, mỗi ngày, tôi cố gắng tích lũy một số tiền nhỏ để có thể đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, về già nhận lương hưu”...
Nhằm thu hút đông đảo người lao động làm công việc tự do tham gia bảo hiểm xã hội, tại kỳ họp vừa diễn ra, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố trong đó có mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 với kinh phí gần 182 tỷ đồng cho nhiều nhóm đối tượng. Thời gian áp dụng từ ngày 1-8-2022 đến hết ngày 31-12-2025.
Với kinh nghiệm thực hiện chính sách, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho rằng, việc hỗ trợ thêm mức đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là giải pháp đầu tư cho an sinh, giúp người lao động về già có lương hưu, giảm áp lực chi trợ cấp xã hội từ ngân sách. Hiện nay, Hà Nội trích ngân sách khoảng 565 tỷ đồng/năm để hỗ trợ gần 93.000 người già từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng (gấp 3,1 lần tổng số tiền hỗ trợ thêm cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cả giai đoạn 2022-2025).
Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ một điều, việc hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều phía. Hy vọng các bên cùng chung tay thực hiện để lưới an sinh ở Thủ đô ngày càng mở rộng diện bao phủ, bảo đảm an sinh cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.