(HNM) - Nạn nhân của mua bán người là một trong những đối tượng yếu thế, có tính đặc thù do phải chịu những tổn thất về cả thể chất lẫn tinh thần, không có việc làm, nên cần hỗ trợ từ nhiều phía. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về còn khó khăn.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện 54 vụ mua, bán người, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm trước với 120 đối tượng, lừa bán 116 nạn nhân. Thủ đoạn mua, bán người ngày càng tinh vi, đa dạng, đối tượng chuyển cách tiếp cận ban đầu với nạn nhân từ trực tiếp sang gián tiếp, thông qua không gian mạng.
Thực tế cho thấy, tình trạng mua, bán người diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, có dấu hiệu tăng, thì việc giải cứu, hỗ trợ nạn nhân trở về vốn đã khó lại càng thêm khó, nhất là việc trợ giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Lý do là vì nhiều nạn nhân không hợp tác với các lực lượng chức năng khiến quy trình tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho họ khó thực hiện. Có nạn nhân mong muốn được hòa nhập lại không còn giấy tờ tùy thân, cần thời gian để các cơ quan xác minh thông tin, làm căn cứ để cấp lại. Trong thời gian chờ đợi được cấp giấy tờ, có nạn nhân rời khỏi nơi được xác định là quê hương của họ, đi nơi khác tìm kiếm cơ hội việc làm, nhưng không có ai nhận... Do đó, có người chọn cách lang thang nơi công cộng. Có thể kể đến trường hợp bà P.T.H. (50 tuổi), đến từ huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), được lực lượng chức năng tập trung từ khu vực Bến xe Mỹ Đình do lang thang xin tiền, về chăm sóc tại cơ sở 2 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) trong tháng 8 vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà P.T.H. cho hay: “Tôi may mắn được đưa về Việt Nam thời gian gần đây, sau hơn 20 năm bị lừa bán ra nước ngoài. Những ngày tháng ở Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, tôi vừa có nơi ăn chốn ở, vừa được tư vấn về công việc. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sớm giúp tôi hoàn thiện giấy tờ để tôi có thể đi làm, tự nuôi bản thân”.
Là người từng tiếp xúc, trợ giúp nhiều nạn nhân thông qua mô hình Ngôi nhà bình yên (đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thúy Hiền cho biết, các quy định của pháp luật hiện hành chưa đồng bộ với chính sách hỗ trợ về nơi ở, việc làm, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng cho nạn nhân. Điều đó lý giải vì sao có những nạn nhân khó vượt qua mặc cảm, e ngại, phải đi tìm nơi khác để sinh sống. Đối tượng được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu phải là thành viên thuộc hộ nghèo, nên số nạn nhân trở về đã tham gia học nghề, qua đó tăng cơ hội hòa nhập còn ít.
Nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp nạn nhân bị mua, bán trở về, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến mua, bán người. Đặc biệt, tháng 7-2022, liên bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao đã ký “Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán”. Cùng với đó, hơn 400 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên cả nước, chính quyền các địa phương quan tâm hỗ trợ nạn nhân về nhiều mặt. Để được tư vấn, trợ giúp kịp thời, người dân có thể gọi đến đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sang nước ngoài qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111…
Tại các tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chủ động triển khai các giải pháp trợ giúp nạn nhân. Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Phùng Quang Thức cho biết, từ tháng 8 đến nay, trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, mỗi nạn nhân trên địa bàn thành phố được hỗ trợ tiền ăn trong khoảng thời gian không quá 3 tháng. Với nạn nhân thuộc hộ nghèo, khi trở về nơi cư trú, mỗi người còn được trợ cấp khó khăn ban đầu với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, thành phố Hà Nội huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm sóc, hỗ trợ, tìm hướng đưa nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Hy vọng với sự chung tay trợ giúp từ nhiều ngành, nhiều phía, nạn nhân bị mua, bán trở về có cuộc sống ngày một tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.