Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

Nhóm phóng viên| 14/08/2021 07:35

(HNM) - Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2560/UBND-KGVX về việc khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo các quyết định của Chính phủ và thành phố. Dư luận cho rằng, với tinh thần khẩn trương, cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện việc hỗ trợ bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Đẩy mạnh giám sát để kịp thời phát hiện trùng lặp

 Với nguyên tắc hỗ trợ “phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng”, để nguồn lực hỗ trợ đến đúng người cần trợ giúp, tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, Sở đã yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp cùng ngành Thuế rà soát, sàng lọc hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, bảo đảm mỗi người chỉ nhận một chính sách hỗ trợ ở mức cao nhất. Lao động tự do là lực lượng thường xuyên biến động nên Sở đề xuất xây dựng tiêu chí đối với người lao động phải thường trú, tạm trú tại địa phương nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ, hoặc phải được địa phương cam kết quản lý. Sở cũng đề xuất xây dựng một phần mềm chung kết nối toàn bộ thông tin về đối tượng đề nghị hỗ trợ để các cơ quan chức năng cùng theo dõi, giám sát, từ đó kịp thời phát hiện những trường hợp bị trùng lặp.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng:
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị của quận đã cùng vào cuộc. Quận thành lập 3 tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện 100% phường đã thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ. Để công tác chi trả kịp thời, đúng luật định, trên cơ sở kết quả rà soát, dự kiến số lượng, kinh phí hỗ trợ đối với từng đối tượng được hỗ trợ, quận đã tạm ứng ngay kinh phí hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ của quận là 49,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội quận đã giải quyết giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.709 đơn vị với 29.998 lao động và số tiền giảm trong tháng 7 là hơn 970 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều:
Bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân

Trên tinh thần công văn chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, hiện huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, các xã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tập trung tuyên truyền, công khai rộng rãi chính sách hỗ trợ, quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Trong quá trình thực hiện, những vấn đề khó khăn, vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, huyện sẽ tổng hợp báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn trình UBND thành phố xem xét, quyết định. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đến nay, huyện đã hỗ trợ được 544 hồ sơ với tổng số tiền 846 triệu đồng, kịp thời giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, bảo đảm ổn định cuộc sống.

Bà Lê Thị Tuyết, ngõ 43 đường Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Đây là nguồn hỗ trợ rất quý giá

Đợt dịch này diễn biến quá nhanh nên khi thành phố thông báo thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi không kịp về quê, bị “kẹt” lại ở khu nhà trọ. Điều khiến chúng tôi được an ủi là trong những lần thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi đều nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương, những nhà hảo tâm. Nay, thành phố tiếp tục yêu cầu các địa phương nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, lao động tự do… bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đây là nguồn hỗ trợ rất quý giá, giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn, yên tâm thực hiện quy định về phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Hương Thủy, chủ cửa hàng hoa đất Hương Thủy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy:
Xem xét rút ngắn thời gian giải quyết, thẩm định hồ sơ

Chúng tôi là hộ kinh doanh cá thể, lại không nằm trong danh mục sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Trong những lần thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mọi hoạt động kinh doanh của gia đình tôi đều bị ngưng trệ, lao động phải nghỉ việc, không có thu nhập. Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được Chính phủ ban hành đầu tháng 7-2021, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo sát sao để đẩy nhanh tiến độ rà soát, giải ngân gói hỗ trợ. Tôi cũng như nhiều người rất mong trong thời điểm này, các địa phương lựa chọn hình thức triển khai linh hoạt, xem xét rút ngắn thời gian giải quyết, thẩm định hồ sơ trên tinh thần hỗ trợ đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, nhanh và chính xác.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.