(HNMO) – Thảo luận tại tổ sáng 4/8, các đại biểu đoàn Quốc hội Hà Nội đều thống nhất, ưu tiên thời gian tới là kiềm chế lạm phát, trong đó phải tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ cho sản xuất, nông dân, cải tiến chính sách bình ổn giá.
Nhiều ý kiến phát biểu đã phân tích sâu và làm rõ hơn những nguyên nhân khiến lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng cao thời gian qua. Theo các đại biểu, việc lạm phát tăng cao có nguyên nhân do biến động giá thế giới, nhưng trong nước là do giữ độ trễ không tăng giá xăng, điện quá dài; lãi suất ngân hàng cao, hệ thống tài chính bất ổn…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho các doanh nghiệp, có vậy mới giúp ổn định xã hội, giúp đất nước phát triển bền vững. Cụ thể, cần hỗ trợ thẳng cho doanh nghiệp gặp khó khăn, khoanh cụ thể những đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Đại biểu Bùi Thị An cũng đánh giá, việc Chính phủ tập trung chống lạm phát là đúng nhưng các giải pháp đề ra có định hướng chưa rõ, chưa sâu.
Theo đại biểu An, kiềm chế lạm phát năm 2011 thực chất là kiềm chế tái lạm phát, mà nguyên nhân của hiện tượng tái lạm phát này là do chủ trương quản lý giá đúng nhưng đội ngũ quản lý thị trường chỉ quản lý giá, kiểm tra ở siêu thị lớn, chợ lớn mà không quản lý ở các điểm bán lẻ; các giải pháp bình ổn giá được thực hiện chưa cụ thể và mạng lưới tiêu thụ bán lẻ chưa được nhà nước quan tâm đúng mức...
“Lạm phát là quan hệ cung cầu. Chúng ta nên có hỗ trợ tín dung đặc biệt cho người nông dân chăn nuôi ở nông thôn và doanh nghiệp nhỏ chăn nuôi sản xuất”, đại biểu An kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng kiến nghị, thời gian còn lại của năm nay cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp, quan tâm đến đời sống của người dân.
“Quỹ bình ổn giá là thể hiện nỗ lực của chúng ta trong việc hỗ trợ người dân nhưng ý nghĩa thì phải xem xét. Vì kiểm soát giá cả không phải là vào siêu thị để xem rau bán thế nào, thịt ra sao… Theo tôi, nên hỗ trợ từ đầu vào cho sản xuất kinh doanh, còn bình ổn giá chỉ là phần ngọn thôi”, đại biểu Hường nói.
Đại biểu Hường cũng tán thành, lương thực, thực phẩm có bình ổn được giá hay không phụ thuộc vào năng lực sản xuất của đất nước. Do vậy, cần hỗ trợ, đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trịnh Thế Khiết đề nghị phải quản lý chặt chẽ các sắc thuế, vì hiện trốn lậu thuế rất lớn; tăng cường việc quản lý niêm yết giá; đầu tư vốn, hỗ trợ một phần cho sản xuất, nhất là những ngành mang tính thiết yếu, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị Chính phủ quan tâm đến điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng đảm bảo tính ổn định, bền vững, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, để đảm bảo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
“Chính phủ phải điều hành bằng chính sách, bằng luật chứ không nên điều hành bằng các giải pháp hành chính và phải có những giải pháp dài hạn hơn cho cả nhiệm kỳ của Chính phủ, chứ không chỉ từng năm một”, ông nhấn mạnh.
Để kiềm chế lạm phát và giảm giá tiêu dùng, đại biểu Sơn cho rằng, cần cân nhắc thận trọng những giải pháp can thiệp của quản lý nhà nước vào thị trường. Việc xây dựng quỹ bình ổn giá là đúng nhưng thận trọng và cân nhắc trong phương pháp, phải bình ổn giá ngay từ khâu sản xuất thì mới tăng được sức mạnh của công cụ này.
Chung quan điểm, đại biểu Đào Văn Bình cũng ủng hộ chủ trương bình ổn giá nhưng đề nghị nên xem lại cách làm. Theo ông, để việc bình ổn đạt hiệu quả, cần phải quan tâm đến nông dân, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bằng cách giao vốn nông dân chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng hệ thống phân phối theo cơ chế thị trường nhưng có nòng cốt, gắn liền với quản lý chặt thị trường để chống nhập siêu, buôn lậu.
Ngày mai, các đại biểu sẽ dành trọn thời gian để thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.