(HNMO) - Ngày 21-1, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở châu Á (US-SEGA) tổ chức Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật APEC: Hỗ trợ doanh nhân nữ Việt Nam trong thương mại điện tử xuyên biên giới, theo hình thức trực tuyến.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thị Thu Thủy, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; góp phần tăng vị thế của phụ nữ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có nhiều hạn chế về khả năng và gặp nhiều khó khăn, rào cản trong kết nối kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thì vấn đề càng trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Vấn đề thương mại điện tử cũng đã được chú trọng lồng ghép trong các chính sách chung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách về phát triển thương mại điện tử. Cụ thể, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ với mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung.
Doanh nhân nữ cũng sẽ được hỗ trợ 100% hoặc một phần chi phí để tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Ngoài ra, nhiều sáng kiến hợp tác công tư cũng như của khu vực tư nhân đã được triển khai và đem lại tác động hết sức thiết thực, hữu ích cho cộng đồng doanh nhân nữ trong việc tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, các doanh nhân nữ vẫn còn gặp khó khăn trong hoạt động thương mại điện tử, trong đó nổi bật là các vấn đề trong tiếp cận tài chính, thanh toán điện tử, logistics, hải quan…
Riêng về tiếp cận tài chính, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy không có thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn, thiếu năng lực, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh khả thi và chưa có được hệ thống kế toán chuẩn mực để xây dựng được các báo cáo tài chính minh bạch, phương án tài chính đủ để thuyết phục các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó là những khó khăn về ứng dụng công nghệ trong quản lý hoặc chuyển đổi số…
Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho rằng, cần nhìn lại những nỗ lực, sáng kiến của khu vực công và tư nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ trong thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời, thảo luận thêm về các chính sách, các nguồn lực hỗ trợ các doanh nhân nữ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tìm hiểu các mô hình tốt trên thế giới và chia sẻ các kiến thức, thông tin hữu ích để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới đạt hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.