(HNMO) - Để tận dụng tối đa cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều mặt, đặc biệt về cải cách thủ tục, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao trình độ…
Đây là những nội dung được đưa ra tại hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức hôm nay (5-6) tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam một lần nữa khẳng định, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, Liên minh châu Âu (EU) cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này mới chiếm khoảng 2% thị phần và đó là cơ hội lớn của chúng ta.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Dù vậy, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường…; là cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, với sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã đẹp…
Bên cạnh đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết EVFTA, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nông nghiệp...
Để khắc phục một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật, sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU và các biện pháp phòng vệ thương mại, cạnh tranh nguồn lao động…, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung và kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhiệm vụ trọng tâm. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi EVFTA, thành phố đã xây dựng "Kế hoạch thực hiện EVFTA thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025".
Ngoài ra, thành phố tiếp tục tăng cường phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, xúc tiến thị trường, đào tạo nguồn nhân lực… để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung, đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, những nội dung đóng góp, trao đổi của cơ quan chức năng, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp sẽ được tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Chính phủ để triển khai EVFTA. Kế hoạch này sẽ được ban hành ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực thi hiệu quả EVFTA.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.