(HNM) - Song song với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sức khỏe cộng đồng và áp lực đối với hệ thống y tế công cộng, “cơn ác mộng” về nguy cơ tạm ngừng hoạt động, phá sản hay mất việc làm đang đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới. Trong bối cảnh chưa thể vội vã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để duy trì tín hiệu tích cực trong nỗ lực ứng phó với dịch bệnh thời gian qua, các nước đang khẩn trương triển khai hàng loạt chính sách giúp giảm thiểu cú sốc do đại dịch gây ra, đặc biệt là với doanh nghiệp tự chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp...
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 81% lực lượng lao động đang bị ảnh hưởng do việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nơi làm việc. Số người thất nghiệp trên toàn thế giới có thể tăng tới 24,7 triệu người, trên nền số người thất nghiệp sẵn có trong năm 2019 là 188 triệu người. Mức độ ảnh hưởng lớn nhất dự kiến ở các nước Arab, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, vượt xa tác động của cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009.
Trước tình cảnh các doanh nghiệp và người lao động phải chật vật xoay sở để vượt qua khó khăn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính các chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp tài chính với trị giá lên tới 8.000 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục chạy đua với thời gian để áp dụng thêm nhiều gói cứu trợ và hành động cụ thể hơn nữa.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành gói giải cứu kinh tế với quy mô chưa từng có trị giá hơn 2.000 tỷ USD, với 500 tỷ USD hỗ trợ chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tại các tiểu bang và 350 tỷ USD để cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đang yêu cầu Quốc hội bổ sung thêm khoản vay mới trị giá 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ khi đã có tới 17.500 công ty có quy mô nhân sự khoảng 500 nhân viên nộp đơn xin vay tiền thông qua các ngân hàng địa phương. Quốc gia láng giềng Canada cũng vừa thông qua chương trình trị giá 52 tỷ USD, trợ cấp lên tới 75% lương cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… đã triển khai các biện pháp trị giá hàng tỷ USD để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp. Xứ sở Sương mù vừa tung ra gói giải cứu chưa từng có tiền lệ trị giá gần 400 tỷ USD, tương đương 15% GDP của nước này để thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có thể nộp đơn yêu cầu chính phủ chi trả tới 80% lương cho người lao động, còn các ngân hàng cũng áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong lịch sử là 0,1%. Trong khi đó, Thụy Sĩ công bố gói hỗ trợ tài chính mới trị giá hơn 30 tỷ USD, hướng tới các doanh nghiệp nhỏ độc lập, các công ty một thành viên và người lao động. Tâm dịch của Lục địa già là Italia cũng đã thông qua gói thanh khoản 750 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể kéo dài nhiều tháng, một số quốc gia đã tập trung vào các biện pháp mang lại hiệu quả trong dài hạn. Bộ Đào tạo sau đại học, khoa học, nghiên cứu và sáng tạo Thái Lan đang tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho khoảng 40.000 người bị mất việc do dịch Covid-19 với chi phí 4,5 triệu USD, trích từ ngân sách tài khóa 2020. Bộ Giáo dục Australia cũng vừa công bố gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên nước này tham gia các khóa học ngắn hạn nhằm tái định hướng và bổ sung nguồn lao động đang thiếu hụt trong một số lĩnh vực. Còn ở Trung Quốc, hoạt động tuyển dụng đã sôi động trở lại khi các doanh nghiệp được hỗ trợ nối lại kinh doanh, với nhu cầu lao động tăng chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục, tài chính, vận tải…
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định, đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà đã dẫn đến khủng hoảng thị trường lao động, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Những biện pháp hỗ trợ của nhà nước giúp cân bằng giữa nỗ lực phòng dịch và ổn định cuộc sống cũng là cơ sở để kinh tế thế giới sớm phục hồi sau đại dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.