(HNMO) - Sáng 16-6, tiếp tục kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ giảm thuế là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo sinh kế cho người dân, tuy nhiên việc thực hiện phải công bằng, minh bạch, tránh cào bằng.
Hỗ trợ nguồn lực để khôi phục sản xuất, kinh doanh
Theo tờ trình của Chính phủ, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Để các doanh nghiệp trong nhóm này có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp kịp thời và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang áp dụng mức thuế suất như đối với doanh nghiệp nói chung là 20%. Phương án được Chính phủ lựa chọn là giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỷ đồng và lao động không quá 100 người trong năm 2020, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thảo luận tại hội trường sáng 16-6, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất với chủ trương này, nhưng cho rằng, tiêu chí doanh thu dưới 50 tỷ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người mang tính chất "cào bằng chung”, chưa bảo đảm công bằng với các doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cũng đánh giá, tiêu chí để xem xét hỗ trợ nêu tại dự thảo như vậy không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn được quy định là doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Một số đại biểu cũng băn khoăn về số giảm thu của ngân sách năm 2020 là 15.000-22.000 tỷ đồng từ việc giảm thuế. Đây không phải là con số quá lớn, đặc biệt khi so sánh với tiền khấu hao vô hình của các dự án thua lỗ và đề xuất Quốc hội, Chính phủ cân nhắc giảm thu cho doanh nghiệp gói hỗ trợ lớn hơn là 30.000 tỷ đồng. Bởi khu vực doanh nghiệp này nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ có khả năng khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là giải quyết đời sống, an sinh, còn số tiền hỗ trợ doanh nghiệp là tái tạo sản xuất, tạo ra doanh thu, vì thế không nên quá khắt khe trong tiêu chí xét chọn.
Dành nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp tạo nhiều việc làm
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính chất động viên nhiều hơn, bởi doanh nghiệp nhỏ có lãi năm nay là thành tích đáng nể. Còn doanh nghiệp thực sự khó khăn thì họ cần nhất là chính sách tiền tệ và tín dụng để có thể thực sự vượt qua. Theo đại biểu, hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và rất cần có thêm quỹ bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, ngân sách không thể hỗ trợ hết doanh nghiệp nhưng khi ban hành gói hỗ trợ, cần xác định đúng đối tượng. Theo đại biểu, hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ nền kinh tế, an sinh, công ăn việc làm, cho sinh kế của người dân. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp tư nhân, hiện là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất, nên đó là hỗ trợ cho người lao động chứ không phải chỉ doanh nhân. Nếu xác định rõ như vậy thì Chính phủ sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để khu vực này khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cảnh báo, hiện nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, nhất là tại những ngành kinh tế trọng yếu. Vì vậy, nếu không cứu doanh nghiệp thì khu vực kinh tế tư nhân khó tồn tại. “Nếu không được hỗ trợ kịp thời, liệu sau đại dịch chúng ta có còn tồn tại những doanh nghiệp tư nhân nắm giữ những lĩnh vực kinh tế quan trọng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi...
Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là một trong những giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu và báo cáo Chính phủ cân nhắc tiêu chí với đối tượng thụ hưởng, song cũng cho rằng, việc lựa chọn tiêu chí cần thuận lợi và tránh rủi ro trong thực hiện.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, cùng với Nghị quyết này, Chính phủ đã có chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm mức phí và lệ phí, giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, giảm 50% thuế trước bạ ô tô lắp ráp trong nước… Để bảo đảm tính công bằng, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra để chủ trương được thực thi nghiêm minh, đúng đối tượng.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao 11 ý kiến phát biểu và khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.