(HNM) - Hàng loạt ngân hàng thương mại vừa công bố giảm 0,5-1% lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu hoặc tung ra chương trình cho vay với lãi suất chỉ từ 8%/năm, tức là thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung 3-4%. Đáng chú ý, các chương trình giảm lãi suất cho vay được áp dụng cho cả khoản vay sản xuất, kinh doanh và vay tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô… Tùy theo từng ngân hàng, quy mô chương trình cũng từ hàng nghìn tỷ đồng lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay diễn ra sau khi lãi suất huy động “hạ nhiệt” từ cuối tháng 1-2023. Tuy nhiên, đây có thể coi là nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Bởi từ cuối năm 2022, lãi suất huy động tăng nhanh với biên độ lớn trước sức ép của lạm phát, biến động tỷ giá. Dù “hạ nhiệt” nhưng lãi suất huy động bình quân vẫn khoảng 9,5%/năm (kỳ hạn 12 tháng), tương ứng lãi suất cho vay 12-14%/năm. Để giảm lãi suất hoặc đưa ra chương trình cho vay ưu đãi, rõ ràng các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí, lợi nhuận.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất dù chưa tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay chung nhưng cũng có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn hơn năm 2022, vì thế cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần sự hỗ trợ, trong đó có việc giảm lãi suất cho vay để duy trì đà phục hồi, phát triển đạt được trong năm 2022. Các gói ưu đãi lãi vay này được triển khai sẽ giúp khách hàng tăng khả năng tài chính, năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh hiện nay, trước hết các ngân hàng thương mại tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ vào hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân. Tất nhiên, bên cạnh đó các ngân hàng vẫn phải bảo đảm chuẩn tín dụng, lưu ý lĩnh vực rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, nhưng vẫn phải cảnh giác với lạm phát, vẫn phải ưu tiên mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Với cộng đồng doanh nghiệp, khi tiếp cận với các chương trình hỗ trợ lãi suất của ngân hàng, cần sử dụng đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả đồng vốn. Thực tế, ngân hàng, doanh nghiệp đang “ngồi chung thuyền”. Ngân hàng muốn giảm lãi suất cho vay để tránh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm với đồng vốn vay, tránh nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.
Thực tế cho thấy, dù nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay và đưa ra chương trình tín dụng ưu đãi, nhưng việc giảm lãi suất chưa thể diễn ra trên diện rộng, mới chỉ ở từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số ngành, nhóm doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể. Phần lớn lãi suất ưu đãi áp dụng với kỳ hạn vay ngắn. Trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay ở mức khoảng 9%/năm, với kỳ hạn 12 tháng để ổn định sản xuất, kinh doanh. Nếu vay ngắn hạn phục vụ cho kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp vẫn phải tính toán kỹ, bởi có thể phải chịu lãi suất cao khi đáo hạn nợ.
Do đó, bên cạnh việc kêu gọi các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước cần có thêm biện pháp mạnh hơn để tất cả các ngân hàng thương mại giảm đồng loạt lãi suất cho vay phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo sát diễn biến nền kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.