(HNMO) - Sáng 5-10, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị tập huấn về “Cam kết thuế tại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU)”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội cho biết, FTA Việt Nam-EAEU sẽ có hiệu lực từ ngày 5-10-2016, có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh EAEU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Vì vậy, đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn TP Hà Nội nắm bắt được thông tin thị trường tại các nước thành viên, cam kết thuế cụ thể đối với từng ngành hàng như dệt may, da giày, nông sản, thủ công mỹ nghệ, máy móc, thiết bị phụ tùng, điện tử...; cũng như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ thị trường các nước trong Liên minh EAEU. Từ đó, giúp các doanh nghiệp đề ra định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, chủ động đáp ứng các cam kết tại Hiệp định.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã giới thiệu cho các doanh nghiệp Hà Nội nhiều thông tin quan trọng về các nội dung chính của FTA Việt Nam-EAEU như các cam kết về nhóm mặt hàng, cam kết theo hạn ngạch thuế quan, thực thi cam kết thuế nhập khẩu, quy tắc ứng dụng đối với mỗi dòng sản phẩm, áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng... Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng hơn 90% kim ngạch thương mại song phương.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh EAEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương trình về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch đồng thực vật...
Về hàng hóa, Liên minh EAEU đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Phía Việt Nam mở cửa có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà sẽ góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.