(HNM) - Để tránh lây lan dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học... tăng cường làm việc, trao đổi trực tuyến trên môi trường mạng. Thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có những giải pháp để bảo đảm chất lượng kết nối; tăng dung lượng data, miễn phí cuộc gọi khi giá gói cước không đổi. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm sự hỗ trợ, sẻ chia với khách hàng...
Lưu lượng dữ liệu tăng mạnh
Từ đầu tháng 2-2020 đến nay, hầu hết các trường học trong cả nước cho học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19 và áp dụng hình thức dạy, học trực tuyến. Là phụ huynh có hai con nhỏ đang nghỉ học ở nhà, chị Thu Hà (chung cư Nàng Hương, số 583 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cho biết, chị mua thêm hai sim data loại 89.000 đồng/tháng (có 60GB data và 1.000 phút thoại nội mạng) và loại 120.000 đồng/tháng (120GB data, 1.500 phút thoại nội mạng, 50 phút thoại ngoại mạng) để phục vụ các con học trực tuyến, dù gia đình đã có internet cáp quang.
Còn chị Hương Sa (ngõ 7 Thái Hà, quận Đống Đa) công tác tại Báo điện tử Dân Trí cho biết, chị đã mua thêm sim data 89.000 đồng/tháng để sử dụng sau khi cơ quan yêu cầu làm việc online. Mọi công việc của cơ quan chị từ chỉ đạo, giao việc, đến nộp sản phẩm, họp giao ban đều được thực hiện trực tuyến.
Nếu như nhiều cơ quan, đơn vị, trường học chuyển sang dạy học, làm việc online, thì các cơ sở, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết, sau khi triển khai dịch vụ này, số đơn đặt hàng trực tuyến trong tháng 3 tăng trên 200% so với tháng 2. Tương tự, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, mua sắm qua kênh online của hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với trước đây.
Thực tế khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các dịch vụ, ứng dụng kết nối trực tuyến đã lên ngôi. Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu lượng lưu chuyển qua trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Lưu lượng dữ liệu tháng 3-2020 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2-2020, chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị trực tuyến, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Nâng cấp mạng lưới và ưu đãi cho khách hàng
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Cường, trước nhu cầu sử dụng ứng dụng trực tuyến gia tăng, Cục Viễn thông đã có văn bản gửi các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị bảo đảm chất lượng đường truyền, kết nối, lưu chuyển dữ liệu... Giải pháp mà Cục Viễn thông đưa ra là tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông băng rộng với mức giá cước không đổi cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ.
Về phía các nhà mạng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) Đặng Anh Sơn cho biết, VNPT đã tăng băng thông trong nước, mở thêm kênh internet quốc tế, bảo đảm đáp ứng tăng trưởng lưu lượng data và thoại. "Tại các khu cách ly tập trung phòng, chống Covid-19 ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh, tuy chưa có hiện tượng nghẽn mạng, song VNPT đã chủ động điều xe phát sóng lưu động để hỗ trợ khách hàng", ông Đặng Anh Sơn thông tin.
Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) Đào Xuân Vũ, nhu cầu về dữ liệu qua mạng Viettel cũng tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Do vậy, Viettel đã triển khai các phương án bổ sung tài nguyên, lắp đặt thêm trạm phát sóng, bố trí xe phát sóng cơ động. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông FPT (Tập đoàn FPT) Vũ Anh Tú cũng cho biết, so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, hiện lưu lượng internet băng rộng cố định của FPT tăng 20%. "Thời gian tới, việc sử dụng dịch vụ trực tuyến như học trực tuyến, làm việc từ xa, mua hàng online... sẽ tiếp tục phát triển và FPT đã sẵn sàng phương án bổ sung lưu lượng", ông Vũ Anh Tú nói.
Về các giải pháp hỗ trợ khách hàng, theo Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone) Phạm Ngọc Tú, hầu hết các nhà mạng đang ưu đãi dưới dạng tăng tốc độ kết nối hoặc tăng dung lượng data và gọi nội mạng miễn phí, với các gói cước, sim data dành cho người dùng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp. Nhà mạng FPT còn hỗ trợ khách hàng bằng việc mở miễn phí hệ thống đào tạo trực tuyến VioEdu và hiện đã có 15.000 trường học tại 63 tỉnh, thành phố học tập trên hệ thống này.
Dù việc tăng dung lượng data, miễn phí cuộc gọi khi giá gói cước không đổi cũng là một cách giảm giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn dưới góc độ xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt đời sống thì nhiều khách hàng mong muốn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chia sẻ hơn với khách hàng. Theo chị Thu Hà (chung cư Nàng Hương, số 583 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), đã có nhiều người bị giảm thu nhập, tạm nghỉ do không còn việc làm...; do vậy, các nhà mạng cũng nên chia sẻ hơn nữa với những khó khăn trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là giảm giá cước thuê bao.
Khi người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn, giao dịch qua mạng nhiều hơn để phòng lây nhiễm Covid-19 thì rõ ràng việc bảo đảm chất lượng dịch vụ đi đôi với giá cước hợp lý cũng là cách để doanh nghiệp viễn thông thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.