(HNM) - Tại Quảng Bình ngày 27-12-1967 liệt sĩ Lê Tất Đạt viết:
Nhìn lại quãng đường qua bản thân con tự thấy đã trưởng thành rất nhiều, nhất là về sức khỏe hiện nay con thấy rất là bền bỉ dẻo dai, đôi chân hiện nay đã rắn và chắc lại không như hồi còn ở nhà nữa, mặt khác tính nết có thay đổi tháo vát nhanh nhẹn hơn nhiều. Sở dĩ có sự thay đổi này là nhờ nếp sống quy củ có giờ giấc và sự rèn luyện thường xuyên hằng ngày của chúng con... Thời gian nghỉ phép vừa qua các em đã lên tới cơ quan chưa? Em Ngọc hiện nay đã ra trường chưa? Còn về sức khỏe của Bà con có được mạnh khỏe không?... Tết này bản thân con đã ăn tết xa nhà rồi còn em Nghị chắc nó cũng không về được đâu, Cậu cũng nên viết thư cho nó đừng về nữa thì hơn, đi lại vất vả vừa tốn tiền và không an toàn nữa. Về việc này Cậu Mợ cũng an tâm gia đình ta vẫn ăn Tết vui vẻ như thường, coi như vẫn có chúng con ở nhà. Tại đơn vị con cũng vẫn tổ chức ăn Tết như thường. Ngày 22-12 vừa qua (thành lập QĐNDVN) chúng con cũng được ăn liên hoan tiêu chuẩn mỗi người 0đ7 hào gồm toàn bánh kẹo thôi, ít ra chúng con tổ chức cũng vui... Chúc toàn thể gia đình ăn Tết vui vẻ, khỏe, trẻ, công tác tốt và đạt được nhiều thành tích mới để động viên và thi đua cùng chúng con giữa tiền tuyến và hậu phương".
Thư ngày 12-01-1968 anh viết: "Thư này con gửi tới nhà thì con đã vào tới đích rồi, con tin rằng lá thư này thế nào cũng đến gia đình nhưng ít nhất cũng phải 2 tháng... lúc này đây con đang ở bên cạnh một con suối tại Hạ Lào... Sang đến đất bên này vấn đề đi lại của chúng con so với quãng đường từ Quảng Bình sang dễ đi hơn nhiều bởi vì sườn núi bên này thoai thoải hơn nên phần nhiều đi qua đồi có dốc nhưng không đáng kể. Tại đây chặng đường chúng con không tính được bằng cây số nữa mà phải tính bằng giờ. Trung bình mỗi ngày chúng con đi 8 tiếng, có ngày đột xuất đi vượt trạm lên tới 11-12 tiếng. Còn về vấn đề sinh hoạt tại đây có phần giảm hơn trên đất Bắc, chúng con đã bắt đầu ăn vào ruốc và mỳ chính mang từ Bắc sang rồi và mỗi kỳ nghỉ chúng con được bồi dưỡng thịt bò hay thịt trâu tươi, nên sức khỏe cũng không sút lắm, mặt khác rau xanh hầu như không có, thỉnh thoảng được ăn rau muống khô để tránh tình trạng này chúng con vẫn uống vitaminC, nên người cũng không thiếu chất mấy. Còn về lương thực phẩm chúng con ăn theo tiêu chuẩn 8 lạng một ngày nên cũng không đói... Tính ra như vậy chúng con đã đi được 2/3 đường rồi, nếu không thay đổi quá lắm độ nửa tháng nữa chúng con sẽ đi hết đất Lào và sẽ ăn Tết tại Cămpuchia cho nên cũng sung túc hơn vì điều kiện vận chuyển cũng tương đối dễ...".
Anh hứa với gia đình: "Dù trong hoàn cảnh nào con cũng hoàn thành được nhiệm vụ và trở về cùng gia đình để khỏi phụ lòng mong đợi của gia đình trước lúc con ra đi. Hiện nay giấy phong bì và tem của con cũng đã cạn vì anh em xin nhiều quá..., vì vậy con không thể viết thư cho các anh, chị và em con được, Cậu Mợ có viết thư nhắn tin hộ con, mặt khác khi vào tới nơi con cố tạo điều kiện khắc phục thể nào cũng báo tin được về gia đình rõ".
Đến Kon Tum ngày 12-02-1968 anh viết rất lạc quan, tin tưởng có ngày giải phóng Sài Gòn: "Từ trên đất Lào chúng con quay về Tổ quốc vào hồi 11 giờ ngày 9 tháng 2 vừa qua, hiện nay chúng con đang đi trên mảnh đất Kon Tum này nói chung so với trên đất Lào có phần vui vẻ hơn nhiều. Tại đây khu vực này đã được giải phóng. Rất nhiều anh em người Bắc đủ các tỉnh, nhưng rất tiếc bản thân con lại không gặp một ai quen cả. Nói chung sức khỏe của chúng con vẫn tốt như hồi ở gia đình. Một mặt là do chúng con có thuận lợi là được đi vào mùa khô nên cũng không vất vả, mặt khác về sinh hoạt cũng như về vật chất đều gặp thuận lợi đó là điều căn bản giúp sức khỏe chúng con được đều đặn... Tính ra như vậy chúng con còn đi độ 1 tháng nữa mới tới địa điểm tập kết của đơn vị chúng con. Nếu không có gì thay đổi có lẽ chúng con sẽ vào Tây Ninh là hậu cứ của quân Giải phóng miền Nam. Tính sơ qua thì địa điểm này cách Sài Gòn độ 120-130km thôi được vào đây chúng con ai cũng phấn khởi chúng con đều tin tưởng rằng khi giải phóng Sài Gòn lúc đó sẽ có mặt chúng con những Thanh niên Hà Nội vào giải phóng Sài Gòn cả 2 thành phố đều có truyền thống bất khuất kiên cường chống quân xâm lược. Tết vừa qua gia đình ăn Tết có lẽ vui vẻ lắm nhỉ? Rất tiếc vì nhiệm vụ con không ở nhà, tại đây chúng con ăn Tết vui lắm... được Đảng quan tâm tới rất nhiều, đặc biệt chúng con vẫn có bánh chưng và chè Ba Đình, thuốc lá Tam Đảo bao bạc, thịt 0,5kg đó là một điều khiến chúng con phấn khởi và cảm động đối với những quan tâm của Đảng đối với chúng con. Vì điều kiện không cho phép con không viết thư về cho O Lạc được cũng như bọn thằng Hội được. Cậu Mợ có gặp báo hộ con vẫn khỏe thư sau con sẽ viết về sau".
TB anh viết: "Sẽ viết thư về cho em Nghị và anh Toản sau".
Gia đình anh Đạt và O Lạc trông chờ mỏi mắt không nhận được "thư sau" của anh.
Đọc những dòng thư của anh sao mà hồn nhiên, yêu đời đến thế, anh tin tưởng có ngày thống nhất đất nước. Sau Mậu Thân anh được bổ sung vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 (đơn vị hai lần Anh hùng LLVTND). Thời gian đó Sư đoàn 7 chiến đấu vùng ven Sài Gòn. Ngày 5-5-1968, Tiểu đoàn 4 (D4), Tiểu đoàn 5 và Trung đoàn bộ 165 (trong đó có Đại đội 16 (Cối 82) của tôi) bị "Địch tổ chức phản kích. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra hết sức ác liệt. Suốt ngày không lúc nào ngớt tiếng máy bay, tiếng pháo và tiếng súng nhỏ" (trang 65, Ký sự Sư đoàn 7, Nhà xuất bản QĐND năm 1986) đơn vị bị thương vong rất lớn, anh Đạt hy sinh ở Lò Chén, Lái Thiêu, Bình Dương.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần lạc quan, yêu đời của người thanh niên Hà Nội Lê Tất Đạt, quyết chiến đấu giành lấy ĐỘC LẬP TỰ DO cũng như của bao đồng đội khác đã hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc đã trở thành bất tử. Tên các anh đã thành tên Đất nước. Mấy chục năm nay mong muốn tìm được mộ anh Lê Tất Đạt là khao khát cháy bỏng của gia đình anh, hiện người thân chưa biết phần mộ của anh ở đâu, hai lần đi tìm kiếm đều vô vọng. Rất mong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tận tình giúp đỡ, hướng dẫn gia đình cách tìm kiếm. Được biết, hiện nay cựu chiến binh Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 còn rất đông, ai biết nơi hy sinh và mộ chí của anh Đạt, xin thông báo cho anh Lê Vũ Tuấn, ở 42 Hàng Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 01673453242 để gia đình sớm tìm được mộ anh. Đó là điều tri ân người đồng đội của đơn vị tôi đã anh dũng hy sinh vì công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.