Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ Gươm không của riêng ai!

Dục Tú| 17/02/2011 07:25

(HNM) - Các cơ quan truyền thông đại chúng đồng loạt đăng tải thông tin về hội thảo


Một là cải tạo môi trường Hồ Gươm; hai là, tìm cách chữa bệnh cho "cụ" - điều mà nhiều người tin chắc là đã xảy ra, căn cứ vào ảnh chụp những vết thương trên người "cụ" và tần suất nổi lên mặt nước của "cụ" ngày một nhiều. Từ giải pháp cơ bản nảy sinh nhiều luồng ý kiến về những việc cụ thể: đưa "cụ" lên bờ để chữa trị, nạo vét lòng hồ để bảo đảm độ sâu cần thiết, loại bỏ vật cản dưới hồ và chân Tháp Rùa để "cụ rùa" có chỗ lên phơi nắng, ngăn chặn nạn câu trộm…

Không phải bây giờ Hà Nội mới quan tâm đến "cụ rùa". Cuối năm 1991, Hà Nội đã xây dựng dự án khai thác Hồ Gươm bảo vệ loài rùa quý; tới cuối năm 1993, sau khi tham khảo, tiếp thu ý kiến của giới nghiên cứu, UBND TP Hà Nội đã cho nạo vét lòng hồ trong gần 2 tháng bằng phương pháp thủ công thay vì phương pháp cơ giới có thể làm kinh động "cụ rùa", đưa lên bờ hơn 7.000m3 bùn, rác thải. Năm 1997, UBND TP phối hợp với các ngành liên quan bàn về giải pháp bảo vệ môi trường Hồ Gươm. Hàng chục cuộc trao đổi, tọa đàm, hội thảo về rùa Hồ Gươm và môi trường hồ giữa lãnh đạo TP Hà Nội với các sở, ngành liên quan và giới khoa học, với PGS.TS Hà Đình Đức - được mệnh danh là "người 20 năm bảo vệ cụ rùa" đã diễn ra trong thời gian qua. Hà Nội luôn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và trong nhiều trường hợp, những dự định tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao kỷ niệm ngày lễ lớn tại khu vực Hồ Gươm đã được lãnh đạo TP Hà Nội cho ý kiến điều chỉnh, thậm chí là bãi bỏ, như gần đây nhất là dự kiến xây dựng nhà vệ sinh, tổ chức đua thuyền, thiết lập sân khấu nổi ở khu vực Hồ Gươm…
Nói lại những điều trên để thấy sự quan tâm đến môi trường Hồ Gươm, đến "cụ rùa" của cơ quan quản lý các cấp, của nhân dân, của giới khoa học. Nhưng quan tâm thì phải có quyết định đúng về giải pháp, phải chọn được giải pháp khả thi, rõ tính khoa học. Với vấn đề bảo vệ rùa Hồ Gươm, ngay tại hội thảo quy mô tương đối lớn ngày 15-2-2011, các phần việc cụ thể được đưa ra cũng chưa có được sự đồng thuận triệt để. Sự phân vân rất rõ, như có nên đưa "cụ" lên bờ để chữa thương trong điều kiện ta còn bỡ ngỡ trong việc này? Với những tấm ảnh chụp được, đã có thể kết luận chính xác về thương tích của "cụ" để có biện pháp y học phù hợp?...

Bởi vậy, lúc này, vấn đề rùa Hồ Gươm cần xác định rõ phần việc cần làm ngay và những việc cần nhanh chóng đưa ra kết luận, biện pháp cụ thể có cơ sở khoa học thuyết phục để áp dụng vào thực tế. Việc làm ngay, ngoài sự tác động ở mức có thể dưới lòng hồ, như dọn dẹp đường ống, dây điện gây cản trở sự di chuyển của "cụ", kiểm soát hệ thống thoát nước từ các công trình ven hồ, nạo vét bùn, bổ sung nước… thì cần quan tâm đặc biệt đến hoạt động trên cạn của con người. Nên đánh giá thêm về tổ chức, bộ máy, quyền hạn và nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự môi trường Hồ Gươm để có biện pháp tăng cường năng lực hoạt động của đội này và xác định rõ hơn về trách nhiệm. Nên có quy định hình thức, mức độ khen thưởng - kỷ luật rõ ràng đối với hành vi xâm hại cảnh quan, môi trường Hồ Gươm. Câu trộm thì xử lý thế nào? Xả chất thải và phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ thì phạt ra sao? Tái phạm thì phải chịu hình thức gì? Có thể nghiên cứu hình thức nào đó để hạn chế tình trạng tiếp cận mặt hồ thoải mái suốt ngày đêm như hiện nay? Có nên sử dụng biện pháp giám sát hoạt động sát mặt hồ từ phía Nhà hàng Thủy Tạ? …

Những việc khác, quan trọng không kém, là tìm ra cách xác định bệnh trạng (nếu có) của "cụ rùa", thiết lập hệ thống quan trắc và thu thập hình ảnh đủ để làm cơ sở cho việc xác định chính xác tình trạng chấn thương, giải pháp y học cần có. Về lâu dài, cần có giải pháp môi trường cơ bản đối với Hồ Gươm.

Rùa Hồ Gươm và môi trường Hồ Gươm cần sự tham gia bảo vệ của mọi người chứ không của riêng ai. Xin nhắc lại, "vấn đề rùa Hồ Gươm" là vấn đề văn hóa, tâm linh chứ không đơn thuần chỉ là môi trường hay cá thể rùa. Mọi biện pháp phải trên cơ sở khoa học và đồng thuận để có hiệu quả cao nhất. Sốt ruột là đúng nhưng sốt ruột rồi áp dụng các biện pháp không hiệu quả thì chắc chẳng ai làm. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, sự sáng suốt của các nhà khoa học, cần ý thức bảo vệ và sự hiến kế của mỗi người dân để "lẵng hoa giữa lòng Hà Nội" giữ được vẻ đẹp và giá trị tinh thần có tự bao đời nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ Gươm không của riêng ai!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.