(HNMO) - Chiều 13-4, UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Quảng Bị và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thông tin tới 28 hộ dân liên quan đến khu vực hố đất sụt lún về những việc đang được gấp rút triển khai nhằm sớm có biện pháp khắc phục sự cố.
Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh cho biết: Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các chuyên gia của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện các phòng, ban chức năng huyện Chương Mỹ... đã kiểm tra, khảo sát, đo đạc để đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục sự cố sụt lún đất tại xã Quảng Bị.
Liên quan đến hố đất sụt, có khoảng 20 hộ gia đình kinh doanh hàng ăn, giải khát, thuốc, quần áo, đồ chơi trẻ em... nằm trong khu vực phong tỏa, đều nghỉ buôn bán, đóng cửa, di chuyển đến nơi khác ở để bảo đảm an toàn tính mạng. Chị Lương Thị Hà cho biết: "Hàng hóa gia đình tôi mới nhập về, nhưng đã phải đóng cửa 8 ngày nay. Chúng tôi mong đợi từng ngày, từng giờ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có giải pháp khắc phục hố sụt lún, để các hộ sớm ổn định cuộc sống".
Ngoài 20 hộ nằm trong diện phải di chuyển khỏi chỗ ở, bị ảnh hưởng cuộc sống, còn nhiều hộ dân ở phía ngoài khu vực cũng bị ảnh hưởng, sinh hoạt, đi lại bất tiện do đoạn đường liên quan hố đất sụt bị chặn.
Thiếu tá Hoàng Duy Tuấn, Trưởng Công an xã Quảng Bị, cho biết: Ngay từ khi xảy ra sự cố, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng dân quân, Đoàn Thanh niên xã… ứng trực 24/24h, bảo vệ hiện trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân...
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, địa chất khu vực biến đổi phức tạp, có những điểm dị thường như xen kẹt lớp bùn bồi tích, túi bùn, túi khí, hang caster. Sơ bộ đánh giá nguyên nhân sụt lún do quá trình khoan giếng đã khoan vào túi khí, làm bục thành, tạo nên hố sụt.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đề xuất phương án khắc phục gồm 6 bước, cụ thể: Bước 1, dọn dẹp mặt bằng khu sụt lún. Bước 2, lấp đầy hố sụt bằng các vật liệu phù hợp, dự kiến dưới cùng lót lớp đá hộc dày 1m, tiếp đến là lớp base 1m và trên cùng là cát đầm chặt. Bước 3, khoan tạo lỗ để khoan phụt vữa, xi măng - bentonite hàm lượng 200kg xi măng + 50 kg bentonite để lấp đầy các lỗ rỗng xung quanh khu vực lún sụt, cứng hóa khu vực lún sụt. Bước 4, trải vải địa kỹ thuật gia cố 2 lớp tăng cường phía trên vật liệu lấp đầy hố sụt với cường độ dự kiến 150kN/m, tiến hành neo đầu vải như quy định. Bước 5 hoàn trả rãnh thoát nước và các lớp mặt đường như ban đầu. Bước 6 tiến hành thử tải và quan trắc sau xử lý.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trịnh Duy Oai, huyện đang đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hướng dẫn huyện các bước khắc phục tiếp theo tại khu vực hố đất sụt lún nhằm bảo đảm đúng quy trình, an toàn; nghiên cứu, đánh giá về phương án khắc phục sự cố của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất, đề nghị cho ý kiến trước ngày 15-4-2021.
Ngoài ra, UBND huyện Chương Mỹ cũng mời các sở, ngành chức năng về khảo sát thực địa, nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo trước ngày 16-4 để huyện triển khai thực hiện phương án khắc phục sự cố sụt lún đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.