(HNM) - 80% hồ chứa thủy lợi của Hà Nội được xây dựng trước những năm 1970, đã
Nhiều hồ chứa xuống cấp
Hà Nội hiện có 95 hồ chứa nước lớn, nhỏ với tổng dung tích thiết kế trên 200 triệu mét khối; trong đó, có 29 hồ chứa nước lớn do thành phố quản lý, còn lại các quận, huyện, thị xã quản lý. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều hạng mục như đập chính, đập tràn, cống lấy nước... đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác phục vụ sản xuất và an toàn công trình. Đơn cử như hệ thống liên hồ Quan Sơn (Mỹ Đức) dung tích gần 12 triệu mét khối, có nhiệm vụ cung cấp nước, điều tiết chống úng ngập cho hàng nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp huyện Mỹ Đức song một số hạng mục bị nứt, sụt sạt chân đê, hình thành cung trượt sâu gây mất an toàn. Mặc dù đã được cho xử lý cấp bách nhưng người dân các xã Tuy Lai, Hồng Sơn, Hợp Tiến vẫn lo lắng bởi nguy cơ mất an toàn rất cao. Tương tự, hồ Vai Xô tại xã Vân Hòa (Ba Vì) vừa qua xuất hiện 3 vết nứt trên dốc tràn xả lũ, có vết nứt rộng tới 15-55cm, dài 23-120m, trượt sâu xuống 27-73cm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình...
Hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức có dung tích 12 triệu mét khối phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Linh Ngọc |
Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trong số 95 hồ chứa đã được ngành nông nghiệp rà soát, lập hồ sơ theo dõi, xây dựng quy trình vận hành phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống lụt bão, phần lớn các hồ được xây dựng cách đây 40-50 năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa lũ là khó tránh khỏi. Hằng năm, thành phố đều dành kinh phí để duy tu nhưng cũng chỉ quan tâm được những hồ, đập có dung tích trên 2 triệu mét khối nước như Đồng Mô, Suối Hai, Ngải Sơn, Quan Sơn, Đồng Sương, Văn Sơn..., còn phần lớn các hồ nhỏ từ 200 đến 500 nghìn mét khối do cấp huyện, xã quản lý thì ít được đầu tư tu bổ thường xuyên nên đã xuống cấp và bị lấn chiếm nhiều, không bảo đảm an toàn. Trong mùa mưa bão, nếu các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thủy lợi được giao quản lý hồ chứa thiếu hiệp đồng chặt chẽ, xây dựng phương án bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, nguy cơ mất an toàn hồ đập rất dễ xảy ra.
Chủ động ứng phó
Để bảo đảm an toàn hồ chứa trong mọi tình huống, trước mùa mưa bão năm 2015, các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hồ chứa để có phương án bảo vệ. Theo ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, ngay từ đầu tháng 6-2015, công ty đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn công trình hồ chứa nước Đồng Mô - Ngải Sơn. Trong đó, phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thị xã Sơn Tây và các cơ quan, đơn vị liên quan hiệp đồng, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ", đồng thời tổ chức diễn tập huy động lực lượng, triển khai phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu. Còn ở huyện Sóc Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tạ Thị Thu Trang cho biết, kết thúc mùa mưa bão hằng năm, UBND huyện Sóc Sơn đều yêu cầu các cơ quan, ban, ngành kiểm tra, rà soát 35 hồ, đập trên địa bàn và xây dựng phương án sửa chữa. Cụ thể, năm 2014 UBND huyện bố trí kinh phí sửa chữa hồ Đồng Quan, hồ Hoa Sơn; đầu năm 2015 duy tu các hồ Hàm Lợn, Cầu Bãi, Đền Sóc. Hiện nay các công trình hồ chứa này đều bảo đảm an toàn và đưa vào vận hành trong mùa mưa năm 2015.
Trước thực trạng hồ chứa trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã cho biết, đầu mùa mưa bão năm 2015, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phân loại, đánh giá chi tiết hiện trạng từng hồ chứa làm căn cứ để báo cáo UBND thành phố bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi nói chung, hồ chứa nói riêng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã kiến nghị Tổng cục Thủy lợi hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, cải tạo các hồ chứa có dung tích lớn như Đồng Mô, Suối Hai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.