Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Hộ chiếu vắc xin'' ngừa Covid-19: Tranh luận chưa có hồi kết

Quỳnh Dương| 05/03/2021 06:36

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã phản ánh, nhiều quốc gia đang muốn triển khai “hộ chiếu vắc xin” nhằm cho phép những người đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được tự do đi lại dù vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến thông qua việc ban hành loại giấy chứng nhận này trong tháng 3-2021. Động thái trên được xem như nỗ lực nhằm từng bước mở cửa trở lại các nền kinh tế, tuy nhiên đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Hy Lạp coi “hộ chiếu vắc xin” như cứu tinh cho ngành Du lịch đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, dự luật về việc ban hành “giấy thông hành xanh” vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được trình Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 17-3 tới, sau đó sẽ được đưa lên lãnh đạo EU thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 25-3. Loại giấy này nhằm cung cấp bằng chứng về việc đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cũng như các kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Giấy thông hành sẽ cho phép người dân được di chuyển trong hoặc ngoài EU để làm việc và du lịch. EC sẽ tìm cách tạo một cơ chế kỹ thuật để chứng nhận giấy thông hành dưới dạng kỹ thuật số, dựa trên thông tin tương đương ở tất cả 27 nước thành viên và phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu của EU.

Dù vậy, EU vẫn đang tranh cãi về việc loại giấy tờ này sẽ được sử dụng như thế nào trong khối. Các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và các nhóm vận động hành lang ngành Hàng không muốn tài liệu này phải được coi như “hộ chiếu vắc xin”, cho phép những người đã tiêm phòng không phải xét nghiệm hay trải qua cách ly. Những nước ủng hộ coi đây như cứu tinh cho ngành Du lịch và nền kinh tế đang lao đao do đại dịch Covid-19. Việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin” sẽ tạo điều kiện mở cửa trở lại các nền kinh tế đang giảm sút mạnh vì đại dịch, cho phép người dân tận hưởng hoạt động vui chơi giải trí và quay trở lại làm việc một cách an toàn. Ngoài ra, cách làm này sẽ khuyến khích người dân đi tiêm phòng Covid-19.

Tuy nhiên, một số quốc gia, dẫn đầu là Pháp và Đức, lại cho rằng việc ban hành “hộ chiếu vắc xin” là quá sớm vì hiện tỷ lệ dân số được tiêm phòng vẫn ở mức thấp. Các loại vắc xin được EU phê chuẩn đến nay đều yêu cầu phải tiêm hai liều mới hiệu quả. Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại loại giấy thông hành này sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng thiểu số - những người ít có cơ hội được tiêm phòng. Hơn nữa, không ai dám chắc “hộ chiếu vắc xin” là giả hay thật khi những tấm thẻ chứng nhận rất dễ bị làm giả và không quá tốn kém để thực hiện việc này. Về mặt kỹ thuật, nếu như ý tưởng là tạo ra một loại giấy tờ kỹ thuật số, EU sẽ bắt buộc phải thiết lập một nền tảng chung có giá trị tại tất cả các nước thành viên để xác minh tính hợp lệ của loại giấy tờ trên, cũng như bảo vệ thông tin y tế nhạy cảm. Sự xuất hiện của biến chủng vi rút SARS-CoV-2 làm cho câu chuyện càng trở nên phức tạp bởi tiêm phòng không có nghĩa là miễn nhiễm hoàn toàn với dịch bệnh.

Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vắc xin” để thúc đẩy hoạt động đi lại bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa dịch Covid-19. WHO kêu gọi các nước không nên áp đặt các yêu cầu về tiêm chủng hoặc miễn dịch như một điều kiện nhập cảnh để đi du lịch quốc tế.

Hơn 1 năm chống chọi với dịch Covid-19, thế giới đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vắc xin và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng, mọi bước đi kế tiếp cần được cân nhắc thận trọng để không làm ảnh hưởng đến những kết quả ban đầu mà thế giới phải rất nỗ lực mới đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Hộ chiếu vắc xin'' ngừa Covid-19: Tranh luận chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.