(HNM) - Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9-9-1969) có đoạn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Đây là sự đúc kết có tính biện chứng giữa cốt cách dân tộc với cốt cách của một bậc vĩ nhân, bởi với tầm nhìn và bản lĩnh của Người, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khơi dậy nguồn khát vọng dân tộc cho hiện tại và mai sau.
Trong bối cảnh lịch sử thế giới những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hầu như các dân tộc bị nô dịch, các giai cấp bị áp bức bóc lột đều oằn mình chịu đựng số kiếp, mỏi mòn đến tiêu vong. Dân tộc Việt Nam cũng là một trong những dân tộc chịu thân phận sống như thế. Lịch sử Việt Nam thời điểm đó đặt ra câu hỏi lớn không lời đáp: Làm thế nào để cứu thoát dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp?
Ngay khi còn ở tuổi thiếu niên, trong những lần đứng nghe người cha tôn kính của mình cùng các bậc cha chú bàn luận chuyện cơ sự cứu nước cứu dân, cậu bé Nguyễn Tất Thành bắt đầu nảy sinh ý tưởng muốn đi ra nước ngoài xem người ta làm thế nào mà có được tự do, bình đẳng, bác ái, rồi sẽ trở về giúp đồng bào ta. Sự kiện ngày 5-6-1911 là khởi đầu tất yếu để Nguyễn Tất Thành hiện thực hóa ý chí, khát vọng cứu nước, cứu dân. Ý chí và khát vọng cao cả ấy đã được minh chứng thông qua việc tự học thêm ngoại ngữ, làm nhiều công việc nặng nhọc và gian truân, thậm chí hết sức hiểm nguy, nhưng Nguyễn Tất Thành không hề chùn bước. Ngay cả khi bị trùm mật thám Pháp ở Paris dọa nạt, khủng bố tinh thần, song Nguyễn Ái Quốc vẫn không nao núng, đã thẳng thắn đáp lại đanh thép với một trong những kẻ thực dân cáo già rằng, cái mà Người cần nhất trên đời là dân tộc được độc lập, đồng bào được tự do. Bản Yêu sách 8 điểm mà Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Versailles (tháng 6-1919) đã công khai bày tỏ ý tưởng đấu tranh đòi các quyền hợp pháp cho người dân An Nam, với những quyền cơ bản nhất.
Khi bắt gặp Luận cương Lênin - ánh sáng cứu lịch sử dân tộc thoát khỏi đường hầm tăm tối, Nguyễn Ái Quốc đinh ninh, ngày nay chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chân chính nhất, cách mạng nhất vẫn là chủ nghĩa Lênin (thực chất là chủ nghĩa Mác được phát triển trong thời đại Lênin). Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc tâm sự với các đồng chí trong phong trào cộng sản ở Pháp rằng, bây giờ mọi thứ đã rõ, Người chỉ mong mau chóng trở về để giúp đồng bào trong nước làm cách mạng, đấu tranh giành độc lập. Bảo bối đã tìm được không phải sự cầu may thần thánh như trong các câu chuyện cổ tích, mà là thành quả tất yếu của cả một tiến trình nuôi dưỡng khát vọng giải phóng dân tộc, cứu thoát đồng bào đã được Nguyễn Ái Quốc nung nấu ngay từ tuổi thiếu niên. Con đường ra đi và con đường trở về Tổ quốc của Người mất tới 30 năm, nhưng biết bao gian truân không khuất phục được Người.
Sau khi đặt chân trở về đầu nguồn Tổ quốc năm 1941, với tên gọi Hồ Chí Minh, Người đã mau chóng trở thành linh hồn dân tộc, khởi sự con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Tài liệu tuyên truyền cách mạng mà Người viết đầu tiên chính là cuốn “Lịch sử nước ta”, trong đó Người chốt lại Việt Nam độc lập năm 1945. Đó không phải là một phỏng đoán mơ hồ mà là một sự đoán định thời cơ, khẳng định tầm nhìn dựa trên cơ sở khoa học từ việc đánh giá tình hình thế giới và trong nước một cách chính xác, biện chứng lịch sử. Vì thế, Người đã sáng lập Mặt trận Việt Minh để mở rộng dư địa chính trị tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng, đón đợi thời cơ. Khi thời cơ đến, dù bị trọng bệnh tưởng chừng không qua khỏi, Người đã chỉ đạo, lúc này thời cơ vàng đã tới, “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Khi thay mặt Trung ương Đảng và thay mặt Mặt trận Việt Minh phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Người đã hiệu triệu đồng bào phải lấy sức ta mà giải phóng cho ta. Nếu nhìn ra nhiều nước châu Âu vào thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước phải dựa vào sức mạnh của Liên Xô và đồng minh mới được giải phóng, thì mới thấy được tầm nhìn, tính quyết đoán của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không phải là sự ăn may như một số sử gia tư sản và những kẻ bồi bút chính trị xuyên tạc. Đó là cuộc tấn công bằng sức mạnh của một dân tộc bền gan, quyết chí suốt gần 80 năm, được thắp sáng bằng ngọn đuốc yêu nước. Việc mau chóng tổ chức Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), khẳng định trước thế giới về quyền độc lập, tự do hợp pháp của Việt Nam càng cho thấy, trí tuệ và bản lĩnh của một dân tộc biết tự quyết số phận. Lời kết trong Tuyên ngôn độc lập mang hồn thiêng sông núi, như một sự tái hiện, tiếp biến của “Nam quốc sơn hà”, của “Hịch tướng sĩ”, của “Bình Ngô đại cáo”, đó là mạch nguồn chí khí tự lực, tự cường dân tộc trải mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) như lời hịch núi sông về tinh thần bất tử của dân tộc Việt Nam, mang âm hưởng của lời “Hịch xuất binh” do Hoàng đế Quang Trung ban ra trước khi tiến vào giải phóng Thăng Long (mùa Xuân năm 1789): “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Lời dạy của Hồ Chí Minh đối với Đại đoàn quân Tiên phong (19-9-1954) trên đường về lại Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã chứng minh, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của ý chí tự chủ, tự lực, tự cường. Đặc biệt, “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Hồ Chí Minh (17-7-1966) đã tạc vào lịch sử hiện đại của Việt Nam và lịch sử thế giới một chân lý bất hủ cho mọi thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý đó không ngẫu nhiên hay tùy hứng trong tư duy Hồ Chí Minh, mà đó là sự thăng hoa của tinh thần tự lực, tự cường trong tiến trình lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của Việt Nam.
Thắng lợi của Việt Nam trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thực sự là thắng lợi của khát vọng vì độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái cho nhân loại. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh để lại khát vọng của một người chiến sĩ cộng sản luôn trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hơn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, dân tộc Việt Nam đã dựng xây một cơ đồ tươi sáng, đó là tiền đề lịch sử để Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.