Loại thuốc sát trùng Povidone và hàng loạt thực phẩm chức năng Alpa MC và Trivitamin B1- B6 - B12 mà Cty TNHH MTV MC Food sản xuất đều không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Một loại không có ngày sản xuất và hạn dùng khi đưa vào dập vỉ.
Không ngày sản xuất, không hạn sử dụng
Do hoạt động hết công suất, máy dập date hai loại thực phẩm chức năng Alpa MC và Trivitamin B1- B6 - B12 bị hư hỏng. Nhưng vì các đại lý hối thúc phải giao hàng đúng hạn nên ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Cty, chỉ đạo công nhân liên tiếp hai ngày cho ra lò hàng chục ngàn vỉ thực phẩm chức năng không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Khi phát hiện các vỉ thực phẩm chức năng Alpa MC và Trivitamin B1- B6 - B12 không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, công nhân tên N., 17 tuổi báo cho ông Huỳnh, người quản lý nhóm công nhân. Trao đổi với ông Cường qua điện thoại, ông Huỳnh tháo khuôn dập vỉ ra kiểm tra, dùng nhiều dụng cụ thủ công đục lại các số để xếp lại ngày sản xuất, năm sử dụng, nhưng không thành. Bất lực, ông Huỳnh không sửa nữa mà yêu cầu nhóm công nhân chúng tôi hỗ trợ mình lắp khuôn vào rồi khởi động máy để tiếp tục cho thực phẩm chức năng vào máy ép ra thành vỉ.
H., một công nhân làm việc ở đây, nói: “Mấy chục thùng thuốc hai ngày nay sản xuất không có date như vậy sắp tới khách hàng trả lại hết cho coi. Chứ giờ không lẽ ngồi bóc ra từng vỉ rồi cho dập lại. Cái này mà bên y tế, công an… phát hiện được thì đi tù như chơi”. Thấy H. thắc mắc, ông Huỳnh nói: “Anh Cường nói do các đại lý đang đặt hàng nhiều quá mà mình làm không kịp, nên chạy xong đợt hàng này thì mới gọi thợ tới sửa lại khuôn dập date sau. Mà mấy ông lo làm đi, ngồi bàn tán, ổng theo dõi qua camera thấy được là ổng điện thoại chửi tôi, rồi trừ tiền lương mấy ông ráng chịu nha”.
Theo ghi nhận của phóng viên, hai ngày chạy máy dập vỉ liên tục không có date, nhưng lãnh đạo công ty yêu cầu các công nhân dập vỉ và đóng gói đưa ra thị trường hàng chục ngàn vỉ thực phẩm chức năng. Tất cả không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, thậm chí nhiều vỉ không có một con số nào. Để “hô biến” số thực phẩm chức năng này, lãnh đạo công ty đặt bao bì, vỏ hộp ghi hạn sử dụng ở ngoài. Bằng cách này, bên ngoài vỏ hộp hai loại thực phẩm chức năng Alpa MC và Trivitamin B1- B6 - B12 vẫn để hạn sử dụng 3 năm, từ năm 2014 đến 2017.
Sau gần hai tháng làm việc tại công ty này, chúng tôi phát hiện ông Cường sản xuất và phân phối tới khách hàng khoảng 30 loại thực phẩm chức năng và “thuốc” các loại. Với một số thực phẩm chức năng ở dạng viên chưa thành phẩm như: Alp, B1, Lisozim và Trivitamin B1- B6 - B12, ông Cường mua lại từ ông Năm, còn các loại khác ông Cường mua ở ba cơ sở khác, sau đó cho công nhân dập vỉ, đóng gói. Riêng “thuốc” hỗ trợ trị tiêu chảy, ông Cường cho công nhân tự trộn đường với muối sau đó xúc bỏ vào bịch kẽm in sẵn dòng chữ ORS đã có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Trên website, Cty MC Food giới thiệu đến người tiêu dùng gần 30 loại thực phẩm chức năng, có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tật. Riêng thực phẩm chức năng có tên EUCA MC được quảng cáo điều trị các chứng ho, đau họng, sổ mũi, cảm cúm, làm loãng niêm dịch; thực phẩm chức năng Rutin C cung cấp vitamin và Vitamin B1 điều trị bệnh tê phù, viêm đa dây thần kinh do rượu, thấp khớp. Trên vỏ hộp, lọ các sản phẩm này không ghi một chữ “thực phẩm chức năng” nào. Do đó, khi đưa các sản phẩm này ra ngoài thị trường, người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc điều trị bệnh, chứ không phải là thực phẩm chức năng.
Một công nhân cho biết, thực ra, các loại này chỉ có ít thành phần vitamin và tá dược, còn lại chủ yếu là bột, đường và muối, nhưng khi trình dược viên bỏ cho đại lý cứ “nổ” là thuốc?! Bất chấp quy định của Luật Quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế qui định trên vỏ hộp thực phẩm chức năng ngoài số đăng kí thực phẩm chức năng, bắt buộc phải có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, Cty MC Food vẫn lập lờ.
Làm “lụi” đủ thứ
Từ khi “đại bản doanh” sản xuất thực phẩm chức năng tại hai cơ sở ở đường Dương Văn Dương, quận Tân Phú, TPHCM hoạt động cầm chừng, Cty MC Food chuyển một phần về số 115 và 118C đường số 9, phường 4, quận 8, mọi việc ở hai cơ sở ông H. quản lý. Công việc trước giờ của chúng tôi là chạy máy dập thành vỉ thực phẩm chức năng và sản xuất thuốc tiêu chảy, nhưng nhiều lúc máy hỏng hay các viên thực phẩm chức năng chưa nhập về kịp thì ông H. điều mọi người lên lầu 1 để cùng các công nhân khác sản xuất “thuốc” sát khuẩn Povidone. Povidone được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công nhưng không ghi rõ là thuốc hay thực phẩm chức năng.
Công nghệ sản xuất “thuốc” sát khuẩn Povidone của Cty MC Food: Mua hóa chất Lodine về pha với nước lã |
Ngoài Povidone Lodine, theo thông tin phóng viên điều tra được, sản phẩm dầu mù u của Cty MC Food được sản xuất vào tháng 10/2013. Đây là một loại mỹ phẩm. Do có lần nghe phong thanh đoàn thanh tra đến kiểm tra nên tháng 1/2014, Cty này mới lên Sở Y tế TPHCM xin giấy phép công bố “sản phẩm mỹ phẩm”. Chính vì vậy, riêng sản phẩm này được sản xuất “lậu” trong một thời gian khá dài và tung ra thị trường mà không cơ quan chức năng nào hay biết. |
Để cho ra một lọ Povidone hoàn chỉnh, ông H. hướng dẫn nhóm công nhân dùng nước Povidone (thuốc sát khuẩn) đổ vào trong xô nhựa. Thứ nước sền sệt, đỏ au đó được công nhân đổ ra từ can nhựa loại 10 lít. Chúng tôi tưởng cứ thế đổ qua chai nhựa nhỏ loại 20ml, nhưng ông H. trợn mắt yêu cầu “ngừng ngay”.
Sau khi ông H. đổ Povidone Lodine từ can nhựa vào thùng nhựa loại lớn, các công nhân bắt đầu múc hàng chục lít nước lạnh từ vòi nước máy đổ vào thùng nhựa lớn sau đó khuấy đều. Bước tiếp theo là cho “hỗn hợp” gồm Povidone Lodine và nước lạnh này vào bình trà có vòi nhỏ rồi rót vào lọ Povidone đã dán nhãn mác, công dụng. Cuối cùng, công nhân ngồi đóng gói và đưa đi tiêu thụ.
Điều đáng nói là các công nhân sản xuất Povidone tự tay pha chế liều lượng, họ chưa qua một trường lớp chuyên môn nào về ngành dược, hầu như chất lượng sản phẩm được ước lượng bằng trực giác. Với qui trình sản xuất như vậy, hằng ngày, các công nhân cho ra lò cả chục ngàn chai Povidone.
Có lần, các công nhân đang dùng bình trà chứa Povidone rót vào lọ thì bất ngờ ông H. vào kiểm tra, thấy xô Povidone của công nhân tên M. pha hơi đậm đặc, ông H. lắc đầu nói: “Mấy ông pha vừa thôi chứ, pha đặc vậy bán sao mà lời được, ông Cường biết được là cho nghỉ việc hết đó”. Nghe xong, người công nhân tên M. ngay sau đó đổ thêm hai ca nước lã vào xô hỗn hợp Povidone rồi chiết ra bình trà để đổ vào lọ 20ml.
Điều đáng nói là ngày 10/9/2013, Cục An toàn thực phẩm cấp giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm “Nước rửa dụng cụ sản xuất, chế biến thực phẩm Vidine” cho Cty TNHH Một thành viên MC Food. Tuy nhiên, sau khi có giấy phép này, ông Cường lại đi sản xuất “thuốc sát khuẩn” lấy tên sản phẩm Povidone. Hàng loạt người dân thấy ghi dòng chữ “thuốc sát khuẩn” nên mua rửa vết thương và sau đó phát hiện ra đây chỉ là nước rửa dụng cụ. Vụ việc bị phanh phui, Cục An toàn thực phẩm đình chỉ sản xuất sản phẩm này nhưng không hiểu vì lý do gì ông Cường vẫn vô tư sản xuất như vậy.
Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo xử lý vụ thực phẩm chức năng của Cty TNHH MTV M.F Ngày 14/8, thư số 4037/ATTP-SP của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế về việc kiểm tra, xử lý tại Cty TNHH MTV M.F nêu rõ: Sau bài báo “Vào lò làm thực phẩm chức năng: Tận thấy công nghệ siêu bẩn” (ngày 13/8) trên báo Tiền Phong, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TPHCM tiến hành thanh tra đột xuất tại địa chỉ trên. Bước đầu, Sở Y tế đã xác định và kết luận Cty TNHH MTV MC Food đã được Cục An toàn thực phẩm Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho một số sản phẩm. Tuy nhiên, ở địa điểm khác, không phải nơi phát hiện bắt giữ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.