Theo dõi Báo Hànộimới trên

HLV Vương Tiến Dũng: Một đời truân chuyên

Như Mai| 28/08/2011 07:09

(HNM) - So với người đồng nghiệp Lê Thụy Hải, HLV Vương Tiến Dũng có vẻ không khôn ngoan bằng. Ở ông không thấy sự thực tế như những HLV trẻ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… Nhưng dân trong nghề đều nể ông Dũng ở cách làm tận tâm, cháy hết mình và quyết theo đuổi triết lý vị nghệ thuật. Người đàn ông ấy hình như chan chứa nỗi niềm… Cả đời đi tìm cái đẹp


"Với tôi, không gì đau đớn hơn cuộc chia tay Thể Công cách đây hơn chục năm. Tôi đã có những năm tháng tuyệt vời trong sự nghiệp cầu thủ. Và nếu được lựa chọn, tôi muốn cống hiến hết cuộc đời HLV để duy trì lối chơi tấn công đẹp mắt, quyến rũ đã trở thành thương hiệu của Thể Công. Nhưng người tính không bằng trời tính…" - Vương Tiến Dũng tâm sự, giọng buồn buồn.

Vương Tiến Dũng, người HLV tận tâm, cháy hết mình với triết lý vị nghệ thuật trong bóng đá. Ảnh: Thanh Hải

Thực tế, sau khi chia tay Thể Công, "tướng" Dũng đã phiêu lưu liên tục từ Nam ra Bắc dẫn dắt Cần Thơ, Hàng không Việt Nam, Thanh Hóa. Nhưng phải đến khi kết duyên cùng Bình Dương tại V.League 2005, ông mới có dịp tái hiện lại hình bóng Thể Công ngày nào. Tiếc là lúc ông Dũng "say" nhất cũng là lúc lãnh đạo đội bóng đất Thủ buộc ông phải "tỉnh" với những can thiệp khá thô bạo vào chuyên môn. Và như một điều tất yếu, ông đành ra đi khi mộng xưng vương còn dang dở.

Rời Bình Dương, HLV Vương Tiến Dũng cập bến, HP Hà Nội (Hòa Phát Hà Nội) trước thềm V.League 2006. Lãnh đạo đội bóng Thủ đô không ngại đầu tư trên 20 tỷ đồng, một số tiền "khủng" ở thời điểm đó. Tham vọng của HP Hà Nội cộng với sự lãng mạn của HLV Vương Tiến Dũng đã giúp họ cùng nhau tạo nên những ngày tháng khó quên, mà đỉnh cao là danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia 2006. HP Hà Nội có thể không mạnh nhưng luôn thừa sự tự tin, hướng lên phía trước với ý nghĩ chiến thắng. Họ đã tạo nên những trận đấu mãn nhãn, nhưng cuối cùng cũng không cưỡng nổi số phận gắn với bi kịch có phần hoang tưởng về sức mạnh của mình. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của HLV Vương Tiến Dũng.

Vì sao trở lại đất Cảng?

Chia tay HP Hà Nội, HLV Vương Tiến Dũng mang theo tâm trạng u uất, có phần nghi ngờ về triết lý bóng đá, năng lực của mình. Đúng lúc đó, XM Hải Phòng lên tiếng và bầu Thành quyết định "trao ấn kiếm" cho ông Dũng. V.League 2008, tân binh XM Hải Phòng vừa thăng hạng đã trở thành một hiện tượng khiến nhiều "đại gia" phải ngỡ ngàng. Đó cũng là mùa giải mà nhiều cầu thủ đất Cảng hồi sinh, tràn đầy hưng phấn mỗi khi nhập cuộc. XM Hải Phòng đá đẹp đến mức khi HLV Vương Tiến Dũng dẫn quân về SVĐ Hàng Đẫy và thắng HP Hà Nội, nhiều cố nhân ngồi trên khán đài VIP đã phải lắc đầu tiếc nuối. XM Hải Phòng đoạt HCĐ năm ấy là đương nhiên, thậm chí nếu chắt chiu cơ hội hơn, họ đã có thể đoạt ngôi á quân, thậm chí vô địch. Ông Dũng xứng đáng được coi là một công thần bóng đá đất Cảng.

Vậy mà trước thềm V.League 2009, ông Dũng lại phải ra đi để nhường chỗ cho HLV A.Riedl mà không hề biết lý do. Động thái đó như "bát nước đổ đi", vậy mà khi XM Hải Phòng mời lại vào cuối lượt đi V.League 2009, ông vẫn nhận lời. "Không phải tôi thất bại ở Thể Công (từ vòng 1 đến 11 V.League 2009), đang thất nghiệp nên thấy ai mời là nhận. Hồi đó, bầu Thành và nhiều người trong ban lãnh đạo XM Hải Phòng cứ lên Hà Nội mời tôi mãi, không lẽ lại từ chối hoài. Nhưng quan trọng nhất là cái tình với các cầu thủ và người hâm mộ. Họ cứ gọi điện mong tôi hãy quay lại, và mình không thể làm ngơ được", HLV Vương Tiến Dũng nói.

Trăn trở với bóng đá Việt Nam

Ông Dũng lo cho bóng đá Việt Nam. Tất cả đang bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền, như một mớ bòng bong mà không biết dứt ra bằng cách nào: "Giá trị cầu thủ ngày càng leo thang, doanh nghiệp không đáp ứng đủ về lương - thưởng thì không được. Giờ đây, một đội bóng tiêu 50 tỷ đồng/mùa còn là ít. Cầu thủ vào sân tập mà chưa có lương - thưởng trông mặt ai cũng… buồn, chứ đừng nói tới chuyện vào sân thi đấu. Còn cố chạy đua theo đòi hỏi của cầu thủ thì cũng không biết doanh nghiệp có thể đáp ứng đến bao giờ. Tôi lo, khi người ta cứ đua nhau xây "cái nhà" ngày càng cao, trong khi "nền móng" lại rất yếu thì một lúc nào đó tất cả sẽ sụp đổ tan tành".

Với nhiều người, có thể cầu thủ ngày nay là sướng, nhưng HLV Vương Tiến Dũng lại chia sẻ một cách nhìn khác. Khi có tiền thì cầu thủ có điều kiện ăn chơi. Ăn chơi quen rồi tới khi không chịu nổi những lúc khó khăn thì sinh ra nợ nần, thi đấu xuống sức. Sau mỗi trận thắng, đội được thưởng tiền, cầu thủ tập dưới sân nhưng đã có vài "chủ nợ" ngồi trên khán đài để đòi rồi, thì tập làm sao nổi. "Thời của chúng tôi, đá bóng cả tháng cũng chẳng mua nổi cái quạt con cóc. Trong đội chỉ có vài người có, còn đâu ngủ toàn quạt tay. Đi thi đấu sân khách được tiền chế độ khoảng 2,4 đồng/ngày, 2 ngày được 4,8 đồng, đủ mua một chai bia và một con vịt quay ăn là cùng. Vậy mà vẫn rất vui, vào sân là thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Còn cầu thủ ngày nay sướng thật, nhưng có mấy ai biết trân trọng đồng tiền mình làm ra để dùng nó đúng mục đích?", ông Dũng trăn trở.

Nhìn lại cả cuộc đời theo đuổi niềm đam mê với bao thăng trầm, đủ vị ngọt và trái đắng, ông Dũng cười sảng khoái: "Tôi vui vì mình không làm gì hổ thẹn với trái tim. Từ khi còn là cầu thủ đến khi làm HLV, tôi đã quen sống thật, chấp nhận, đối mặt với tất cả và coi đó như những chuyện bình thường, miễn là được chơi một thứ bóng đá sạch, đẹp, giàu sức tấn công. Trước đây đã thế, bây giờ vẫn thế, và mãi mãi như thế…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HLV Vương Tiến Dũng: Một đời truân chuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.