Nếu có một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức ngay sau trận tranh HCĐ về chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN và ĐT U23 VN mà HLV Falko Goetz đang nắm giữ, dám chắc có hơn 90% ý kiến được hỏi sẽ nêu ra quan điểm nên chia tay nhà cầm quân người Đức sau kỳ SEA Games 26 thảm họa này.
“Chiếc ghế” của HLV Goetz đang lung lay sau thất bại của U23 VN |
3 lý do để nên chia tay HLV Falko Goetz
* Xây dựng chiến thuật không phù hợp với các cầu thủ VN: Các tuyển thủ U23 VN và cả ĐTVN đều có chiều cao trung bình khiêm tốn nên lối chơi lật cánh mà HLV Goetz áp dụng cho cả 2 ĐT là rất không hợp lý, nhất là sau khi 2 ĐT dưới thời HLV Henrique Calisto đã xây dựng được một phong cách thi đấu phù hợp với tố chất của các cầu thủ VN. Đã có gần nửa năm làm việc cùng hai ĐT và trải qua cả các trận thi đấu chính thức và giao hữu, nên HLV Goetz chắc chắn phải nhận ra sự bất hợp lý này, nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông lại không chịu thay đổi và cuối cùng phải chịu thất bại.
* Bảo thủ nhưng tâm lý yếu: Rất nhiều lựa chọn về chuyên môn và nhân sự của HLV Goetz bị đặt dấu hỏi và trên thực tế đã cho thấy kết quả kém cỏi, nhưng HLV người Đức vẫn nhất quyết bảo lưu quan điểm của mình. Là một người rất cứng rắn ở khía cạnh “khẩu chiến”, nhưng trong thực tiễn thi đấu HLV Goetz lại không phải là chỗ dựa tin cậy cho cầu thủ, khi ông rất hay có dấu hiệu bị tâm lý và thường ngồi bó gối trong những thời khắc khó khăn nhất của đội bóng.
* Quản quân hà khắc, thiếu sự linh hoạt: Trong 8 đời HLV ngoại từ trước đến nay của ĐTQG, HLV Goetz là số một về kỷ luật hà khắc theo kiểu nhà binh, nhưng kết quả thu được từ cách quản lý cầu thủ như vậy lại không được như mong đợi, nhất là sau khi các cầu thủ đã quá quen thuộc với việc được quản lý theo kiểu “cương nhu kết hợp, vừa đóng vừa mở” ở thời kỳ HLV Calisto.
3 lý do để nên trao thêm cơ hội cho HLV Falko Goetz
* Đường dài mới biết ngựa hay: Tính chi li thì đến hết SEA Games 26 HLV Goetz mới có gần nửa năm làm việc cùng bóng đá VN, và quãng thời gian chưa đầy 6 tháng có vẻ chưa phải là đủ để nói lên trình độ thực sự của một ông thầy. Cần nhớ rằng do tới đầu tháng 6 mới ký hợp đồng với VFF, nên HLV Goetz chỉ có rất ít thời gian theo dõi giải VĐQG và giải hạng Nhất QG, nên số tuyển thủ được chọn lựa cho 2 ĐT không phải tất cả đều là “sản phẩm” của HLV Goetz. Hơn nữa, với thành tích nổi bật từng có khi còn dẫn dắt Hertha Berlin ở Bundesliga, năng lực cầm quân của HLV Goetz có thể vẫn chưa được bộc lộ đầy đủ.
* Cũng có những dấu ấn rõ rệt: Dưới thời HLV Goetz, ĐTVN và ĐT U23 VN từng có những trận đấu khá hay, chẳng hạn như ĐTVN ở vòng loại thứ 2 World Cup 2014 với ĐT Qatar, trận giao hữu với ĐT Nhật Bản tại Kobe, hay U23 VN gặp U23 Saudi Arabia ở vòng loại Olympic London 2012 rồi trận hòa với U23 Uzbekistan tại VFF Cup 2011. Tuy nhiên, sự ổn định và đa dạng lại là điều còn thiếu ở các đội bóng của HLV Goetz.
* Thiệt hại lớn nếu đơn phương trảm tướng: Nếu sa thải HLV Goetz vào lúc này, VFF vừa phải mất một khoản tiền khá lớn để đền bù hợp đồng và chúng ta cũng phải mất ít nhất là vài tháng để tìm kiếm một HLV trưởng mới cho ĐTQG, mà không chắc nhân sự mới có làm tốt hơn HLV Goetz. Phương án sử dụng thầy nội dù khả thi nhưng lại không được VFF hoan nghênh vì có nhiều lý do tế nhị và cả tâm lý “sùng ngoại” vẫn còn rất phổ biến ở bóng đá VN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.