(HNM) - Xã Đại Thắng (Phú Xuyên) là một trong những đơn vị đi đầu về công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đến nay, xã đã DĐĐT xong và những cánh đồng mẫu lớn đang hình thành, mô hình nông thôn mới (NTM) đang được triển khai.
Dồn từ khó khăn
Ông Trần Bá Cao - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng) cho biết, hiện xã có 1.675 hộ với 6.650 nhân khẩu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 409ha đất tự nhiên, trong đó có 236ha đất nông nghiệp phải DĐĐT. Do địa hình vùng trũng nên cấy lúa 2 vụ hiệu quả kinh tế rất thấp, nên lãnh đạo xã xác định phải tạo đột phá trong nông nghiệp. Để hình thành những vùng sản xuất lớn, bắt buộc phải DĐĐT song khi bắt tay vào việc, xã gặp nhiều khó khăn. Trước khi chưa DĐĐT, số ô thửa trên địa bàn xã rất manh mún, trung bình từ 10-12 thửa/hộ. Trên định xuất chia ruộng của các hộ dân năm 1992 đã dồn xuống còn 4-6 thửa/hộ, cá biệt có hộ còn 8 thửa, năm 1997 theo chủ trương của huyện Phú Xuyên tiếp tục dồn gọn còn 1-2 ô thửa. Nhưng do số ô thửa vẫn còn lớn, xã tiếp tục dồn song có nhiều trở ngại, bởi trong suốt 10 năm từ 1993-2003 Đại Thắng gặp khó khăn, có những thôn chính quyền không thể làm việc được, do có tới 40% số hộ dân lấn chiếm đất đai với diện tích vi phạm 40.000m2. HTX nông nghiệp không thể thu nợ đọng sản phẩm, do có tới 50% số hộ không đóng sản phẩm với 400 tấn thóc; bản thân một số cán bộ và người dân trong xã không đồng tình chia lại ruộng bởi có những hộ nhận được chỗ tốt nên không muốn chia lại.
Việc xử lý đất lấn chiếm có động chạm đến người dân, nhưng xã quyết tâm thực hiện bằng được. Với sự giúp đỡ của huyện, chính quyền xã đã tổ chức nhiều hội nghị tại các thôn để giải thích, động viên người dân hiểu được lợi ích của việc DĐĐT, tạo điều kiện cho sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Đến năm 2007 tình hình mới bước đầu ổn định, cán bộ và nhân dân cơ bản đồng tình nên xã đã xây dựng đề án DĐĐT. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, từ năm 2008 đến nay xã đã hoàn thành DĐĐT được 100% diện tích đất nông nghiệp (236ha). Từ chỗ hơn 10.000 ô thửa, sau khi dồn giảm còn 3.000 thửa, bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1-2 thửa.
Những thửa ruộng có giá trị kinh tế cao
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc DĐĐT, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng cho biết, chia ruộng phải bảo đảm nguyên tắc công bằng dân chủ. Trước khi dồn ruộng, Đại Thắng làm công tác quy hoạch lại ruộng đất. Những khu ruộng ở nơi sâu, xa, trũng được chuyển đổi, làm kinh tế trang trại (TT), quy hoạch đường giao thông thủy lợi. Từ thành công của việc DĐĐT, xã đã nhanh chóng thu hết số nợ hơn 400 tấn thóc và thu được toàn bộ đất lấn chiếm với trị giá hơn 3 tỷ đồng, được tái đầu tư cho xã để xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, trong khi dồn ruộng, người dân đã tự nguyện đóng góp từ 4-5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nội đồng. Từ thành công trong DĐĐT, xã đã quy hoạch vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, điển hình là dự án sản xuất lúa hàng hóa với diện tích gần 200ha.
Ông Trần Bá Cao cho biết thêm, từ năm 2010, được sự giúp đỡ của Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, xã đã đưa giống lúa hàng hóa T10 vào gieo cấy, cho thu nhập 100 - 110 triệu đồng/ha, cao hơn 20 - 30 triệu đồng/ha so với giống lúa Khang dân 18. Vụ xuân năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thực hiện thí điểm mô hình cấy lúa bằng máy diện tích 5ha trên mô hình cánh đồng mẫu lớn của xã. Hiện nay cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, hơn hẳn so với cấy lúa bằng tay. Nếu như mô hình cánh đồng mẫu lớn thành công, xã sẽ thực hiện trên toàn xã. Bên cạnh việc đưa giống lúa hàng hóa chất lượng cao và hình thành cánh đồng mẫu lớn, 53ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả đã được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi kết hợp. Hiện nay trên địa bàn xã đã hình thành 32 trang trại (TT) chăn nuôi và thủy sản cho giá trị kinh tế cao gấp 10 lần so với cấy lúa như hộ ông Vũ Văn Nghĩa, thôn An Mỹ với mô hình cá, gà, ngan, vịt, lợn diện tích chuyển đổi là 1,7 mẫu, cho tổng thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm; hộ ông Phạm Ngọc Oanh, thôn Tạ Xá với diện tích chuyển đổi hơn 2 mẫu, tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu đánh giá: Đại Thắng là xã đi đầu và thành công trong DĐĐT của huyện, mặc dù ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân xã đã làm được việc khó nhất trong xây dựng NTM là DĐĐT. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao; giảm được sức lao động từ làm nông nghiệp. Vì vậy xã Đại Thắng được huyện lựa chọn để triển khai thí điểm xây dựng NTM. Từ quý II-2010, bắt tay vào xây dựng NTM, xã mới có 1/19 tiêu chí đạt. Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay Đại Thắng đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM, những tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2012. Từ thành công trong DĐĐT của xã Đại Thắng, huyện sẽ làm cơ sở để nhân rộng và đưa các xã khó khăn về DĐĐT sang học tập kinh nghiệm. Huyện phấn đấu cơ bản 26 xã, thị trấn sẽ hoàn thành DĐĐT trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.