(HNM) - Sáu tháng đầu năm nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động
Theo BCĐ CVĐ, người tiêu dùng (NTD) đã chọn hàng Việt vì xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả hợp lý và đang dần hình thành nếp văn hóa dùng hàng Việt của người dân.
Hàng Việt Nam ngày càng có nhiều triển vọng tại thị trường trong nước. Ảnh: Thanh Hải |
Mặc dù kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN cũng như đời sống của người dân nhưng BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cùng các đơn vị thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực, động viên các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức hưởng ứng CVĐ và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Các ngành chức năng chú trọng kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng được bày bán không chỉ trong siêu thị, mà ở cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống... nhằm bảo vệ quyền lợi NTD. Danh mục hàng Việt được người dân tin dùng ngày càng dài hơn, từ thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, đến các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng… Trong đó, 80% NTD ưa chuộng và lựa chọn các sản phẩm dệt may, da giày sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm may mặc và đồ dùng cho trẻ em được các bà mẹ Việt tin dùng; 70% NTD ưa chuộng, lựa chọn các loại thực phẩm, rau quả "nội"… Thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt đến NTD, nhất là vùng xa trung tâm, được các cấp, ngành triển khai với mức độ ưu tiên cao. Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo DN, hộ kinh doanh, các chợ trên địa bàn đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa, nhất là các mặt hàng do DN "nội" sản xuất; tổ chức bán hàng lưu động, giám sát DN thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu, kiểm soát thị trường trên mọi lĩnh vực. Báo cáo của các ngành chức năng cho thấy, hầu hết NTD đã chọn hàng Việt vì xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá hợp lý. Qua đó, nếp văn hóa dùng hàng Việt của người dân đã, đang được hình thành.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự hưởng ứng tích cực của các ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đã tuyên truyền về CVĐ, giúp NTD thay đổi thói quen mua sắm, quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng hàng hóa Việt. Bên cạnh đó, các DN, đơn vị SXKD đã tích cực tham gia CVĐ bằng việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình trên thị trường "nội" và cam kết bảo vệ NTD. Thành phố cũng hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng, đồng thời triển khai giải pháp nới lỏng cơ chế hỗ trợ lãi sau đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn những tồn tại mà các cấp, ngành cần khắc phục, như một số tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo thực hiện CVĐ. Sự vào cuộc của các địa phương cấp huyện, xã chưa quyết liệt; kinh phí thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi còn hạn hẹp; công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá sản phẩm chưa được chú trọng. Ngoài ra, vẫn còn những hạn chế liên quan đến khâu bán hàng của DN; một số sản phẩm có nguyên liệu "đầu vào" phải nhập khẩu nên giá thành sản phẩm cao, trong khi đó tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ chưa được ngăn chặn hiệu quả, gây khó khăn cho các DN SXKD trong nước…
Để tháo gỡ những tồn tại trên, các ngành chức năng và cấp có thẩm quyền cần tiếp tục bổ sung, xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho DN sản xuất giới thiệu, phân phối hàng Việt đến NTD trên địa bàn. Đồng thời, tạo thêm nguồn kinh phí để thực hiện các chuyến hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ DN SXKD đưa hàng đến NTD, trong đó sẽ tuyên truyền về chất lượng hàng Việt; triển khai phương thức tuyên truyền trực quan trên các tuyến xe buýt của thành phố…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.