Kinh tế

Hình thành thị trường điện cạnh tranh: Đối diện nhiều thách thức

Bảo Hân 11/08/2023 08:17

Sau hơn 10 năm, thị trường điện cạnh tranh ở nước ta đã hình thành và dần hoàn thiện ở hai cấp độ đầu tiên, gỡ bỏ tình trạng độc quyền từ khâu phát điện đến bán buôn điện. Tuy nhiên, để đạt tới sự cạnh tranh bình đẳng thực sự và hình thành được thị trường điện cấp độ 3 - thị trường bán lẻ, vẫn còn nhiều thách thức được đặt ra.

cong-nhan-lap-dat-tam-pin-n.jpg
Công nhân lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy Điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Hoàng Anh

Thị trường bán buôn chưa thực sự cạnh tranh

Chính thức vận hành từ ngày 1-7-2012, đến nay, thị trường điện cạnh tranh ở nước ta đã qua 2 cấp độ: Phát điện và bán buôn điện. Ở cấp độ đầu tiên, theo Bộ Công Thương, thị trường đã được xã hội hóa theo đúng chủ trương, thu hút nhiều nhà đầu tư. Số liệu thống kê cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chiếm 38,5% tổng công suất phát điện toàn hệ thống. Các đơn vị tư nhân, cổ phần chiếm 61,5%, với các loại hình phát điện phong phú, bao gồm nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió…

Ở cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh, được vận hành từ ngày 1-1-2019, EVN cho hay, từ 31 nhà máy điện chào giá với tổng công suất 9.212MW, đến nay số lượng nhà máy điện tham gia trực tiếp tăng xấp xỉ 3,5 lần (108 nhà máy), với tổng công suất tăng khoảng 3,35 lần (30.940MW).

Đến nay, ngoài EVN đã có Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung mua từ thị trường, góp phần tăng cường minh bạch trong vận hành hệ thống điện thông qua cơ chế chào giá.

Tuy nhiên, Giáo sư Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam nhận định, thị trường bán buôn điện chưa mang tính cạnh tranh đúng nghĩa khi cả 5 doanh nghiệp này đều trực thuộc EVN. “Cơ quan quản lý cần đề xuất với Chính phủ đưa ra những quy định cụ thể để các công ty ngoài EVN tham gia thị trường điện, kể cả các công ty nước ngoài. Có như vậy mới cạnh tranh hiệu quả, thực chất”, Giáo sư Trần Đình Long kiến nghị.

Thị trường bán lẻ còn gặp khó

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến sẽ triển khai trong năm 2024, sau khi có tổng kết thí điểm giai đoạn năm 2021-2024 để bảo đảm ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này.

“Tuy đã có những chuyển biến lớn trong hoạt động tái cơ cấu, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường điện và hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, nhưng để tiến tới cạnh tranh đầy đủ vẫn cần một quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao nguồn lực cũng như chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Nếu thực hiện đúng lộ trình, đến năm 2024 mới có thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích.

Theo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, thực tế trong giai đoạn vừa qua, ở nhiều nơi đã hình thành các hợp tác xã bán lẻ điện. EVN chỉ bán buôn, phần quản lý, vận hành đường dây và bán lẻ điện đến hộ sử dụng sẽ do các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều vướng mắc, tồn tại đã bộc lộ. Điển hình như người dân nông thôn phải mua điện giá cao, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, dẫn đến có nơi yêu cầu ngành Điện tiếp nhận lại lưới điện hạ áp nông thôn để quản lý.

Để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 7-8-2020 phê duyệt thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo đó, phạm vi của thị trường bán lẻ chủ yếu tập trung vào các giao dịch mua bán điện giữa đơn vị mua buôn, bán lẻ điện với các khách hàng sử dụng điện thông qua lưới phân phối (cấp điện áp từ 110kV trở xuống). Đây sẽ là phân khúc thị trường tồn tại song song và tiếp nối các giao dịch trên thị trường bán buôn (thông qua lưới truyền tải điện).

Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2022 cũng đã giải quyết một số tồn tại trong xây dựng thị trường điện, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy nhanh các công việc có liên quan để sớm đưa vào vận hành thí điểm và nhân rộng mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt tại Quyết định số 2093/QĐ-BCT.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ngành Điện còn phải giải quyết rất nhiều thách thức, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan. Trong đó, vấn đề tái cơ cấu các khâu của ngành Điện do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì. Ngoài ra nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vận hành thị trường điện đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho EVN, có vai trò chủ đạo trong hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình thành thị trường điện cạnh tranh: Đối diện nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.