(HNM) - Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc hình thành mạng lưới tiêu thụ nông sản đã gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Góp phần ổn định thị trường
Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) Vương Sỹ Thành cho biết, với diện tích hơn 2ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi tháng Hợp tác xã thu hoạch 10-12 tấn rau an toàn. Cùng với việc xây dựng thương hiệu, hợp tác xã đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể... Hiện tại, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Còn theo ông Nguyễn Văn Chữ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), được thành lập từ năm 2017 với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT hiện nay, chuỗi Thực phẩm sạch Organic Green đang có các sản phẩm thịt gà, thịt lợn, thịt vịt và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như xúc xích, chân giò xông khói, giò, chả. Nhờ vào chất lượng sản phẩm, mỗi tháng chuỗi có thể cung ứng ra thị trường hơn 150 tấn thành phẩm lợn, gà, vịt và các sản phẩm chế biến. Sản phẩm của chuỗi đang được bán qua các kênh như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối trực tuyến...
Nhận định việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu, hạn chế tổn thất cho nông dân...; đồng thời góp phần hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các nhà phân phối lựa chọn sản phẩm có chất lượng, ưu thế cạnh tranh…
Mặt khác, từ việc đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu những mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội qua các kênh phân phối như Central Group, Aeon, Lotte..., lượng nông sản an toàn được tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.
Kết nối mạng lưới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
Gần đây, dù ngành Nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy việc kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi, nhưng thực tế vẫn có không ít chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn...
Để các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn để đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm và xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đề xuất thành phố và các địa phương tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp…
Còn theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo, để đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản, trung tâm sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn, hỗ trợ phụ nữ sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Với mục tiêu nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của thành phố. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, Sở sẽ tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới; tham mưu cho thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến... Bên cạnh đó là mở các lớp tập huấn cho chủ thể tham gia liên kết chuỗi nâng cao nghiệp vụ; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.
Hà Nội hiện có 39 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc và đã có hơn 1.600 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.