(HNM) - Sau gần 30 năm đổi mới, Hà Nội đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế thương mại nói riêng. Phát triển của ngành thương mại Hà Nội là sự gắn kết giữa duy trì đổi mới và phát triển kênh thương mại truyền thống: Chợ, cửa hàng lẻ và thương mại hiện đại, gồm phát triển siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV tại Đại hội đại biểu thành phố lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội cũng đã đề ra một trong những phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế trong 5 năm tới là "Tiếp tục phát triển hệ thống trung tâm thương mại, mạng lưới siêu thị, trung tâm bán buôn, chợ theo hướng văn minh, hiện đại và theo quy hoạch". Đây là hướng đi đúng, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô.
Hà Nội hiện có khoảng 410 chợ, 120 siêu thị, 20 trung tâm thương mại, phục vụ cho 7 triệu dân Thủ đô và khách vãng lai. Thương mại truyền thống và hiện đại đang góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân, ổn định thị trường hàng hóa về giá cả và chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ ngày càng tiến bộ và văn minh hơn trước. Thương mại Hà Nội có quy mô phục vụ ngày càng tăng nhanh với doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2008-2013, bình quân tăng 21,4%. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thương mại Hà Nội còn bộc lộ một số nhược điểm cần khắc phục nhằm phục vụ ngày càng hiệu quả, vững chắc hơn trong tương lai, đáp ứng được yêu cầu của một Thủ đô văn minh, hiện đại, tiến lên CNH - HĐH theo xu hướng chung của xu thế hội nhập khu vực và thế giới hiện nay.
Điểm "nghẽn" lớn nhất cần đề cập do Hà Nội là một thị trường đông dân tiêu thụ một khối lượng hàng hóa hằng ngày rất lớn, nhất là hàng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, Hà Nội hiện nay và trong tương lai đất sản xuất bị thu hẹp, nhường chỗ cho phát triển đô thị do vậy nguồn cung nông sản thực phẩm cho Thủ đô ngày càng bị hạn chế, nhiều loại hàng hóa phụ thuộc vào sự cung ứng của các tỉnh bạn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cả nước và hàng nhập khẩu. Vì vậy, một mặt Hà Nội phải tiếp tục tổ chức lại sản xuất hàng hóa tại chỗ, đồng thời về lâu dài cần làm tốt công tác liên kết để thu mua hàng hóa ở các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước để phục vụ tiêu dùng cho nhân dân Thủ đô. Mặt khác, tình hình hiện nay việc trao đổi, mua bán hàng hóa ở Việt Nam hết sức phức tạp qua nhiều khâu trung gian, rất khó kiểm soát về chất lượng và giá cả hàng hóa, hạ tầng thương mại nói chung và ở Hà Nội nói riêng tuy có được cải thiện một bước, song cơ sở vật chất phục vụ kể cả ở siêu thị và các chợ còn phát triển ở trình độ thấp, hàng hóa sản xuất ra người sản xuất đang bị ép giá, người tiêu dùng mua giá cao một cách vô lý. Con đường ngắn nhất để tạo lập được một thị trường hàng hóa ổn định về giá cả và quản lý được chất lượng ở Thủ đô đó là căn cứ vào quy hoạch phát triển thương mại Hà Nội 2015-2020, tầm nhìn 2030 phải thiết lập được cơ sở hạ tầng của hệ thống bán buôn, bán lẻ bao gồm các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các siêu thị, trung tâm thương mại, các dãy phố thương mại chuyên doanh... Phải thiết lập được chuỗi cung ứng hàng hóa chủ yếu đi thẳng từ nơi sản xuất đến khâu bán lẻ, giảm chi phí, bớt trung gian. Phải giải quyết được bài toán khuyến khích được sản xuất phát triển bền vững, có lợi nhuận hợp lý, đó là cái gốc cho sự phát triển của lưu thông hàng hóa một cách bền vững, sản xuất phải tổ chức tốt hệ thống phân phối từ thành thị đến nông thôn với chất lượng phục vụ ngày càng văn minh và hiệu quả, gắn trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân trong chuỗi để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Thương mại Hà Nội muốn phát triển một cách nhanh và vững chắc cần thông qua phản ánh, phản biện của tiêu dùng xã hội để tác động lại sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Thời đại ngày nay và trong tương lai không thể một mình một chợ mà cần phải vừa cạnh tranh, vừa hợp tác để cùng nhau phát triển. Hàng hóa sản xuất và các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán lẻ phải từng bước xây dựng uy tín một cách bền vững, lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ. Ngoài sự cố gắng của sản xuất và các tổ chức kinh doanh hàng hóa, vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại cũng rất quan trọng cần phải có những cơ chế chính sách đúng, đủ mạnh để thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất bán lẻ, kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật kinh doanh, biểu dương những đơn vị làm ăn tốt trong sản xuất và phân phối. Làm được những việc trên là góp phần cơ bản vào việc tổ chức một hệ thống thương mại văn minh, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.