(HNM) - Các khu công nghệ cao đang thể hiện rõ vai trò trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở phạm vi địa phương và trên cả nước. Đặc biệt, với việc dẫn đầu xu hướng ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, các khu công nghệ cao đã khẳng định tính ưu việt, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển các khu công nghệ cao (cả nước hiện có 4 khu) có thể thấy, đến nay, nước ta đã từng bước thiết lập được môi trường chính sách đặc biệt, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khá hiện đại, thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư. Khu công nghệ cao đã hoạt động như một “cửa khẩu công nghệ cao” của Việt Nam, đồng thời sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các khu công nghệ cao không chỉ giữ vai trò sản xuất, kinh doanh mà bước đầu còn là nơi huấn luyện, đào tạo đội ngũ tri thức công nghệ và lao động kỹ thuật chất lượng cao. Hơn thế, khu công nghệ cao còn là hình mẫu phát triển xanh, trở thành nòng cốt và lan tỏa công nghệ cao cho nền công nghiệp của nước ta.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định như trên, nhưng việc phát triển khu công nghệ cao cũng còn bộc lộ nhiều bất cập xuất phát từ thực tiễn. Điều này có thể thấy rõ nhất qua thực tế số dự án thu hút được từ các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới chưa nhiều; chưa kể, hàm lượng công nghệ cao ở không ít dự án đang hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Những rào cản khiến kết quả phát triển khu công nghệ cao chưa như kỳ vọng liên quan đến cơ chế, chính sách còn vướng mắc; hạ tầng kỹ thuật, xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực công nghệ cao còn thiếu và yếu…
Trước những yêu cầu phát triển mới, để nâng cao hiệu quả của khu công nghệ cao cần giải quyết những vấn đề căn cơ nhất, từ chiến lược phát triển, việc phân cấp, phân quyền đến những cơ chế đặc thù mang tính đột phá về thuế, thủ tục đầu tư, đất đai… Thêm nữa, cần đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý môi trường để khu công nghệ cao trở thành hình mẫu trong thời đại mới là phát triển xanh, sạch, bền vững. Cùng với đó, cần nghiên cứu để nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý khu công nghệ cao; tiến đến thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các khu công nghệ cao.
Đặc biệt, các khu công nghệ cao cần xây dựng năng lực nội sinh về nghiên cứu và phát triển công nghệ, gắn với hoạt động nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, qua đó trở thành những vườn ươm công nghệ cao của Việt Nam. Ngoài ra, cần chú ý thích đáng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có tri thức, tay nghề cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết có hiệu quả với các tổ chức khoa học - công nghệ tiên tiến hàng đầu để nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ.
Một vấn đề nữa cần được các khu công nghệ cao quan tâm là phát triển các dịch vụ như: Không gian sinh sống cho chuyên gia; cơ sở hạ tầng về công nghệ; hoàn thiện quy trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đăng ký sở hữu trí tuệ...
Phát triển khu công nghệ cao luôn phải kiên định mục tiêu là làm sao để khu công nghệ cao trở thành một hình mẫu thu nhỏ của nền kinh tế Việt Nam, đi đầu trong công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành quả của khoa học - công nghệ, thực sự lấy sáng tạo làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.