Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu ứng mang tên Bắc Kinh

Phương Quỳnh| 26/08/2015 06:22

(HNM) -

Sắc đỏ ngập tràn thị trường chứng khoán trong "Ngày thứ hai đen tối" (24-8).


Theo số liệu từ sàn giao dịch New York, trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 24-8 (sáng 25-8, giờ Việt Nam), cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ gồm: Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc xấp xỉ 4%. Đây là cú mất giá tệ hại nhất của ba chỉ số này trong vòng 4 năm qua. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones bị mất 588,4 điểm. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu giờ buổi sáng, chỉ số danh tiếng của 30 tập đoàn này thậm chí có lúc bị mất tới 1.089 điểm và đến phiên đầu giờ chiều bị mất 830,66 điểm, tương đương 5,05%. Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor 500 cũng bị mất 77,68 điểm, tương ứng với 3,94%, xuống còn 1.893,21 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite bị mất 179 điểm.

Không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số tại thị trường Châu Á và Châu Âu trong ngày 24-8 cũng bị tác động mạnh. Tại Châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 50 của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) mất 5,02%, chỉ số Dax của Đức, chỉ số CAC-40 của Pháp và chỉ số FTSE của Anh cũng lần lượt bị mất giá 4,31%, 5,12% và 4,33%. Tại Châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản, trong ngày 24-8, mất 5,17%. Tiếp tục đà đi xuống, ngày 25-8, sàn Nikkei lại mất thêm 704,9 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải (SCI) của Trung Quốc cũng giảm 205,78 điểm, tức 6,41%, sau khi mất 8,49% ngày 24-8 - mức giảm mạnh nhất trong 8 năm qua.

Theo giới chuyên gia tài chính, lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản là vì những thông tin ngày càng xấu từ thị trường Trung Quốc. Hàng loạt chỉ số đang cho thấy sự suy giảm đáng kể của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như: Sụt giảm xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng… bất chấp việc hàng trăm tỷ nhân dân tệ (NDT) đã được Trung Quốc tung ra như một nỗ lực trấn an các nhà đầu tư. Bắc Kinh đang nỗ lực thay đổi định hướng kinh tế từ ưu tiên tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ. Cuộc chuyển hướng này đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư và tạo ra "làn sóng giảm" trên thị trường khiến chỉ số chứng khoán Trung Quốc giảm gần 40% kể từ tháng 6. Sự sụt giảm của thị trường càng gia tăng sau khi Bắc Kinh liên tiếp phá giá đồng NDT. Biện pháp mới ngăn chặn đà xuống dốc của thị trường chưa được Trung Quốc đưa ra cùng sự chững lại của nền kinh tế thứ hai thế giới và việc đồng NDT mất giá được cho là có thể dẫn tới một kịch bản tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Hiện tại, có 2 luồng quan điểm đối lập về hậu quả của "cơn bão chứng khoán" xảy ra trong 30 giờ qua. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, tình hình hiện nay hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng năm 2008. Trước hết, cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán lần này xuất phát từ các nước mới nổi. Còn năm 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của một ngân hàng có tính hệ thống của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - do đó đã tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Thêm nữa, quy mô khủng hoảng cũng khác nhau. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tạo tiền đề cho sự đổ vỡ dây chuyền. Còn sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong những giờ qua chỉ mang tính chất ngắn hạn do những lo ngại từ Trung Quốc. Vì thế, tình trạng đi xuống của thị trường sẽ khó kéo dài khi kinh tế Mỹ và Châu Âu đang phát đi tín hiệu tích cực. Một số quan điểm khác lại cho rằng: Nếu "Ngày đen tối" của thị trường chứng khoán không trở lại, nền kinh tế toàn cầu sẽ không phải gánh chịu tác động nặng nề. Còn ngược lại, nếu đà đổ dốc tiếp diễn trong những giờ tới thì hiệu ứng mang tên Bắc Kinh sẽ rất khó lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu ứng mang tên Bắc Kinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.