Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểu thách thức để vượt qua chính mình

Thùy An| 11/10/2011 07:53

(HNM) - Sáng 9-10, hơn 1.000 học sinh đã dự lễ khai giảng năm học 2011- 2012, năm học thứ 37 của Trường Năng khiếu thể thao 10-10 (Ba Đình, Hà Nội). Một năm học mới với những vận hội, kỳ vọng nhưng không ít thách thức.

Đối với cán bộ, giáo viên, HLV của trường, được làm việc tại ngôi trường mang tên ngày giải phóng Thủ đô đã là một niềm vinh dự, kèm theo đó là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi các thầy cô "phải truyền cho học sinh và tất cả cùng nỗ lực, phấn đấu", như lời Hiệu trưởng Trịnh Hữu Nghị nói trong lễ khai giảng.

Không phải đến bây giờ thầy trò nhà trường mới thấu hiểu vinh dự và trách nhiệm của nhà trường đối với sự nghiệp đào tạo các tài năng thể thao cũng như tham gia giáo dục nâng cao thể chất của thanh, thiếu nhi Thủ đô. Suốt 37 năm qua, nhiều thế hệ giáo viên, HLV, học sinh đã góp sức mình để nơi này trở thành địa chỉ phổ cập và huấn luyện các môn thể thao được yêu thích nhất ở Hà Nội. Hơn 100 nghìn học sinh đã theo học, được cung cấp những kiến thức cơ bản ở 19 môn thể thao. Hàng nghìn em trong số này đã trở thành những VĐV đỉnh cao của Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia.

Truyền thống và những gì đạt được trong 37 năm qua của nhà trường thật đáng tự hào để từ đó, cán bộ, giáo viên HLV nhân lên những gì đã đạt được nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong ngày khai giảng năm học 2011-2012, Hiệu trưởng Trịnh Hữu Nghị bảo rằng: "Vận hội của trường, thách thức của trường ngày càng lớn, nhiệm vụ của thầy trò chúng tôi càng nặng nề". Vận hội ở đây là mức sống của người dân Thủ đô ngày càng cải thiện, nhu cầu và điều kiện tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe ngày một tăng. Nên việc nhiều gia đình "chọn mặt gửi vàng", đưa con đến một ngôi trường có thương hiệu tốt về phổ cập, huấn luyện thể thao cũng như học phí "dễ chịu" như trường 10-10 thì cũng dễ hiểu. Rõ nhất là vào mỗi dịp đầu hè, trường luôn trong tình trạng quá tải trong việc đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh.

Nhưng thách thức đối với trường cũng không nhỏ. Bài toán "chất lượng cao, học phí rẻ" luôn được đặt ra. Mục đích phổ cập, huấn luyện TDTT được xem trọng nên học phí không thể cao quá mặt bằng thu nhập trung bình chung của xã hội. Học phí thấp, thu nhập cho các HLV (theo diện cộng tác viên của trường) cũng hạn chế. Vì thế, để giữ chân được HLV giỏi nhằm bảo đảm chất lượng huấn luyện, nhà trường đã cố gắng xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, anh chị em biết vì sự phát triển TDTT của thành phố mà gắn bó với trường. Cùng với vấn đề kinh phí, khuôn viên chỉ gần 5.900m2 cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các môn thể thao. Nhưng "khéo co thì ấm", nhà trường phải tìm cách làm phù hợp là nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng dạy và học. "Cũng mừng là quan điểm này được cấp trên ủng hộ, trường luôn được UBND quận Ba Đình quan tâm, đầu tư. Sắp tới một sân bóng đá nhân tạo sẽ được xây dựng, hệ thống nhà tập cũng được nâng cấp", ông Trịnh Hữu Nghị cho biết.

Trường Năng khiếu thể thao 10-10 đã và sẽ là địa chỉ yêu thích của nhiều gia đình Thủ đô. Nhưng giá như trên địa bàn Hà Nội có nhiều ngôi trường như trường 10-10 thay cho hàng loạt cơ sở đào tạo thể thao đặt nặng mục đích kinh doanh như hiện nay thì thế hệ trẻ sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển thể chất và năng khiếu thể thao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểu thách thức để vượt qua chính mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.