(HNM) - Thời gian qua, các hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Bằng tinh thần sẻ chia, nhiều ca khúc đã thể hiện sự tri ân, khích lệ toàn dân chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch.
Điểm chung của các ca khúc là đều mang đến thông điệp lạc quan, năng lượng tích cực, đồng thời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, dù có yếu tố “tuyên truyền”, nhưng bằng sự độc đáo, sáng tạo, bắt kịp xu hướng, nhiều tác phẩm âm nhạc đã mang đến cho người nghe những trải nghiệm thú vị, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình trong số đó phải kể đến ca khúc “Ghen Cô Vy” không chỉ gây sốt ở trong nước mà cả ở nước ngoài; ca khúc “Vũ điệu 5K” đạt hàng triệu lượt người tiếp cận… Cùng với âm nhạc hiện đại, các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống cũng vào cuộc sôi nổi, đặt lời mới với nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch cho nghệ thuật hát xẩm, chèo, cải lương, quan họ…, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.
Điều rất ý nghĩa là có nhiều ca khúc được khơi gợi nguồn cảm hứng từ những câu chuyện xúc động có thật. Với thế mạnh ca từ, giai điệu, mỗi ca khúc đã truyền tải tâm tư, tình cảm của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch; nói lên nỗi niềm của những người đã và đang trải qua ngày tháng chiến đấu với dịch bệnh…
Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang được triển khai hết sức khẩn trương và cần rất nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Lúc này, giới nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc cần thể hiện vai trò là chiến sĩ đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tiếp tục phát huy sức sáng tạo, mang đến những món ăn tinh thần thật ý nghĩa. Với những chất liệu sống động, phong phú trong cuộc chiến chống dịch bệnh đang diễn ra, bằng góc nhìn của người nghệ sĩ, các nhạc sĩ cần tận dụng để tiếp tục sáng tạo tác phẩm, làm nổi bật hình ảnh đội ngũ chiến sĩ nơi tuyến đầu không quản ngày đêm tận tụy chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; khơi gợi ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết phòng, chống đại dịch của người dân Việt Nam.
Cùng với lựa chọn chủ đề đúng, trúng, các sáng tác âm nhạc cần có giai điệu, ca từ gần gũi, mộc mạc, thấm đượm tình người, chạm đến trái tim người nghe. Cũng để phù hợp với các đối tượng khán thính giả khác nhau, người sáng tác cần lưu ý khai thác, sử dụng hài hòa các thể loại âm nhạc, từ truyền thống đến đương đại để cho ra đời tác phẩm vừa đạt yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ, vừa đạt chất lượng nghệ thuật. Mục đích cuối cùng là thu hút nhiều người nghe, nhiều người hưởng ứng. Đây chính là hiệu quả cao nhất góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
Đồng hành cùng sự nỗ lực của đội ngũ nhạc sĩ, các ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, kênh truyền thông cần tích cực phối hợp thực hiện các phần việc liên quan, đưa tác phẩm âm nhạc đến với công chúng một cách nhanh chóng, với chất lượng hoàn thiện tốt nhất.
Song song, các cơ quan quản lý ngành Văn hóa cần định hướng nội dung sáng tác cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích kịp thời nhằm động viên các nhạc sĩ tham gia sáng tác về đề tài phòng, chống dịch. Đồng thời, tổ chức thêm các “sân chơi” ca nhạc trực tuyến, nhà hát truyền hình… trên nền tảng internet, qua đó giúp ca khúc mới tiếp cận nhanh với khán thính giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh.
Khai thác hiệu quả “sức mạnh mềm” từ âm nhạc sẽ đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.