(HNM) - Triển khai từ tháng 7-2010 tại 6 tỉnh phía Bắc, đến nay dự án
Lợi ích kinh tế
Nếu như trước kia không biết phun loại thuốc nào cho rau, phun vào thời điểm nào hợp lý, liều lượng bao nhiêu… thì giờ đây, chị Lê Thị Hồng (xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) có thể tự tin thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP cơ bản (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp cơ bản) do dự án xây dựng để áp dụng trong vùng dự án. Bên luống bắp cải sắp thu hoạch, chị Hồng cho biết: "Tôi tham gia dự án từ đầu năm 2012. Ngoài việc trồng cây giống bán cho bà con, tôi còn trồng 1,5 sào rau cải bắp xen lẫn cà chua, su hào. Theo quy trình của GAP cơ bản, tôi chỉ dùng phân vi sinh bón cho rau nên không gây hại cho người tiêu dùng".
Dự án trồng rau an toàn tại tỉnh Hưng Yên do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua JICA. |
Chị Hồng cho biết, lợi ích lớn mà những hộ nông dân như chị khi tham gia dự án là hiểu được quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm được do sử dụng đúng cách lại vừa không gây hại cho mình cũng như người tiêu dùng. Lượng rau gia đình chị bán ra tăng nhiều so với trước, bởi những nhà tiêu thụ biết được nguồn gốc xuất xứ của rau an toàn. Gia đình chị Hồng chỉ là một trong hơn 40 hộ nông dân ở xã Yên Phú tham gia dự án khi áp dụng quy trình GAP cơ bản do dự án hỗ trợ. Một trong những yêu cầu quan trọng của dự án là người nông dân phải ghi nhật ký đồng ruộng hằng ngày vào một cuốn sổ để biết là sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào, mua ở đâu, quy trình thời gian ra sao… Đây là cơ sở để có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của cây trồng nói chung, các loại rau an toàn nói riêng.
Nâng cao ý thức của người nông dân
Kinh phí của dự án trên là hơn 67 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Nhật Bản viện trợ hơn 64,5 tỷ đồng thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án gồm hai hợp phần: Hợp phần bảo hộ giống cây trồng và hợp phần sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn. Trong đó, mục đích của hợp phần bảo hộ giống cây trồng là nâng cao năng lực và hoàn thiện hệ thống bảo hộ giống cây trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập, thực hiện được đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của Tổ chức UPOV (Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới) vào năm 2016. Mục đích dài hạn của hợp phần sản xuất sản phẩm cây trồng là nâng cao nhận thức của nông dân và cán bộ nông nghiệp tại nơi thực hiện dự án, đồng thời nâng cao năng lực giám sát và quản lý việc sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn từ trung ương đến địa phương. Sau 3-5 năm triển khai mô hình sản xuất rau an toàn, áp dụng GAP cơ bản, hầu hết nông dân vùng dự án nhận ra rằng áp dụng GAP thật sự mang lại hiệu quả.
Là người sát cánh với nông dân hơn 3 năm qua trong quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam, ông Numata Mitsuo - chuyên gia sản xuất cây trồng an toàn của Nhật Bản cho biết, so với VietGap (quy trình thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành), GAP cơ bản dễ áp dụng hơn, phù hợp với đối tượng nông dân sản xuất nhỏ. "Với 65 tiêu chí khác nhau, tiêu chuẩn VietGap không phải hộ nông dân nào cũng có thể áp dụng được. Trong khi GAP cơ bản chỉ với 26 tiêu chí được lựa chọn từ các tiêu chí của VietGap, người nông dân vừa dễ thực hiện lại vừa bảo đảm được chất lượng an toàn theo quy định. Việc thực hiện GAP cơ bản là cơ sở ban đầu để người nông dân dần tiến tới tiêu chuẩn VietGap" - ông Numata Mitsuo nhấn mạnh.
Ông Numata Mitsuo cho hay: "Khi kết thúc dự án này, chúng tôi mong rằng diện tích cây trồng tại 6 tỉnh sẽ được nhân rộng. Chúng tôi cũng hy vọng tiêu chuẩn GAP cơ bản sẽ được cơ quan chức năng của Việt Nam công nhận như một quy trình thực hiện để số đông người nông dân có thể dễ dàng áp dụng và phát triển sản xuất cây trồng an toàn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.