Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả thiết thực

Thuận Thi| 13/03/2012 06:55

(HNM) - 457 lượt hộ phụ nữ nghèo được vay vốn; lãi 558.350.000 đồng và giải quyết công ăn việc làm cho 548 lao động… là kết quả của dự án "Quỹ hỗ trợ giảm nghèo" được thực hiện tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Dự án ủy thác giữa Công ty BAT và Báo Hànộimới đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Từ tháng 11-2004 đến nay đã gần 8 năm, dự án được triển khai lần lượt tại các xã: Hòa Bình, Thắng Thủy, Vĩnh Phong, Hiệp Hòa, Dũng Tiến đã có gần 500 lượt hộ gia đình được vay vốn để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Đây là huyện thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 vẫn chiếm 11,6%. Tình trạng thiếu vốn, thiếu kiến thức ít nhiều đã hạn chế tốc độ và chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và hiệu quả sản xuất. 300.000.000 đồng vốn của dự án do Công ty BAT ủy thác qua Báo Hànộimới triển khai thực hiện. Mỗi hộ gia đình được vay từ 3 đến 6 triệu đồng để phát triển kinh tế. Mỗi chu kỳ vay là 12 tháng. Sau mỗi chu kỳ đều tổng kết, đánh giá hiệu quả vốn vay. Nếu xã nào về cơ bản đã giảm tỷ lệ hộ nghèo, Ban Quản lý dự án sẽ xem xét chuyển dự án tới địa phương cần.

Năm 2011, dự án được triển khai tại xã Hiệp Hòa và Dũng Tiến với tổng số 60 thành viên vay vốn. Trong đó, 17 hộ đầu tư trồng trọt, 32 hộ nuôi lợn, gia cầm; 3 hộ làm dịch vụ xay xát và 8 hộ kinh doanh. Sau một chu kỳ, các gia đình được vay vốn đã xuất chuồng 7,6 tấn thịt lợn, 3,43 tấn gia cầm, 2 tấn cá, đạt doanh thu 576,8 triệu đồng, thu lãi gần 60 triệu đồng. Đặc biệt 8 hộ đầu tư trồng màu cho thu nhập cao hơn 2,5 đến 3 lần so với trồng lúa. Tiêu biểu là gia đình chị Phạm Thị Rui thôn Trúc Hiệp vay 5 triệu đồng, đầu tư trồng ớt xuất khẩu thu lãi 3 triệu đồng. Hay như chị Tô Thị Tám thôn An Bảo vay 5 triệu đồng chăn nuôi lợn cũng thu lãi 5 triệu đồng…

Được hỗ trợ vay vốn, nhiều gia đình đã thoát nghèo, các cấp hội có thêm vốn để hoạt động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện dự án, Hội LHPN huyện còn mở 6 lớp chuyên đề chuyển giao KHKT, học tập kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả; mở các lớp chuyên đề về tổ chức cuộc sống gia đình, dân số KHHGĐ, nuôi dạy con và thảo luận các bộ luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Nhiều trẻ em đã không phải bỏ học giữa chừng nhờ hiệu quả của dự án. Đánh giá về dự án, bà Đoàn Tuyết Toan, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (thuộc Hội LHPN Hải Phòng) cho biết: "Hiệu quả của vốn vay không chỉ đo đếm được bằng tiền mà còn thay đổi nhận thức, tạo lập thói quen cho phụ nữ nghèo biết tiết kiệm, góp phần thay đổi tư duy của chị em khi làm kinh tế". Ông Nguyễn Đình Duy, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Bảo thì nhận định giá trị của dự án chính là tính lan tỏa và bền vững, vì hiện nay nhiều người luôn mong ngóng gia đình mình được vay vốn ở chu kỳ tiếp và cũng kỳ vọng tiếp tục được tham gia dự án, nghĩa là được tiếp cận từ vốn đến những phương pháp quản lý vốn hiệu quả và các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhất. Đây chính là mục tiêu mà dự án đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.