(HNM) - Hiệu quả đồng vốn đầu tư phụ thuộc vào tiến độ của dự án nhanh hay chậm. Nhưng, hiện nay rất nhiều dự án đầu tư ở nước ta rơi vào cảnh kéo dài, không đúng tiến độ...
Giai đoạn dự án chậm nhất, thường bị kêu nhiều nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo trình tự thủ tục hiện hành, việc GPMB về lý thuyết ngốn mất 20 tháng thực hiện dự án, nhất là ở các khâu kê khai, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất; lập thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường và di dời tái định cư. Nhưng, trên thực tế, rất nhiều công trình dự án bị kéo dài 5-7 năm, thậm chí hàng chục năm. Tình trạng chậm GPMB diễn ra ở hầu hết các địa phương, ở các loại hình dự án, công trình thuộc các nguồn vốn khác nhau mà không có ngoại lệ.
Nhiều dự án xây dựng ở Việt Nam rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Ảnh: Minh Nguyễn
Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, kiến nghị của cơ quan quản lý, DN liên quan đến nguyên nhân chậm trễ trong GPMB, song tựu trung vẫn là do cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân bị mất đất thiếu nhất quán và có phần không phù hợp. Nơi ở và điều kiện tái định cư không bằng nơi ở cũ, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thêm vào đó, loại hình dự án thực hiện GPMB thu hồi, đền bù thiếu rõ ràng, dự án kinh doanh đánh đồng với dự án phục vụ an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng nên phương án, chính sách đền bù, nhất là chênh lệch lợi nhuận quá lớn giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất, gây ra khiếu kiện kéo dài.
Ở giai đoạn thi công, vấn đề nổi cộm nhất là năng lực chủ đầu tư và năng lực nhà thầu. Với tốc độ đầu tư phát triển nhanh trong những năm gần đây, lực lượng nhà thầu xây lắp trong nước cũng lớn mạnh không ngừng. Song, cũng vì việc đăng ký hành nghề có phần dễ dãi nên chất lượng nhà thầu còn hạn chế từ cán bộ quản lý, thiết bị thi công, trình độ tay nghề đến năng lực tài chính. Trong khi, quy định đấu thầu còn đề cao giá bỏ thầu mà chưa thực sự chú trọng đến năng lực nhà thầu. Đương nhiên, với một nhà thầu yếu thì sai phạm, sự cố, thi công kéo dài, tiến độ đình trệ là điều khó tránh khỏi.
Có một thực tế, nếu ở dự án có nguồn vốn DN nước ngoài hay tư nhân, những người chủ thực sự thường tổ chức đấu thầu bài bản, chọn ra nhà thầu phù hợp bảo đảm thi công theo yêu cầu, có chế độ thưởng phạt; mọi thay đổi biện pháp thi công đều phải thông qua chủ đầu tư… thì ở dự án nguồn vốn nhà nước thường tồn tại tình trạng đại diện chủ đầu tư không có chuyên môn về xây dựng (nhất là bệnh viện, trường học, công trình văn hóa - thể thao, trụ sở cơ quan); hoặc vai trò "ông chủ" không được thực hiện tốt do quy định trách nhiệm thiếu cụ thể, do không trực tiếp quản lý, sử dụng công trình khi hoàn thành. Hàng loạt công trình chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không bị xử lý nghiêm hoặc đều đổ cho lý do khách quan.
Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, chưa thấy chủ đầu tư nào bị phạt do điều hành dự án chậm tiến độ. Số lượng nhà thầu bị phạt chậm tiến độ đếm trên đầu ngón tay, trong khi có hàng vạn dự án triển khai trên cả nước. Câu hỏi đặt ra, tại sao chế tài trong hợp đồng kinh tế khi chậm tiến độ không được áp dụng? Phải chăng chủ đầu tư là ông chủ hờ nên không "của đau con xót"? Phải chăng có sự nể nang, nhận "hoa hồng", hưởng "phết phẩy" nên không thể xử lý? Ông Hùng kiến nghị, nên sửa đổi, bổ sung quy định đấu thầu theo hướng lựa chọn nhà thầu phù hợp và thực hiện nghiêm chế tài xử phạt. Người trực tiếp quản lý dự án, uy tín, năng lực, thiết bị thi công của nhà thầu quyết định đến tiến độ, chất lượng dự án. Dù giá chào thầu có cao nhưng dự án hoàn thành vượt tiến độ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn rất nhiều.
Khắc phục chậm trễ trong GPMB, ông Hùng cho rằng Nhà nước không nên xây nhà tái định cư giá rẻ, trừ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, thay vào đó nghiên cứu phương thức đền bù GPMB theo giá thị trường để người dân tự lựa chọn nơi ở mới phù hợp với khả năng tài chính, môi trường sống. Thực tế, 50-70% căn hộ tái định cư được chuyển nhượng chủ khác do những bất cập trong kinh phí đền bù, chất lượng nhà kém, không đồng bộ hạ tầng. Cũng theo ông Hùng, cùng với việc sửa đổi các quy định, cơ chế, chính sách, Nhà nước cần tập trung vốn hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai dự án. Đặc biệt, cần sớm thông qua Luật Đầu tư công, theo đó vốn nhà nước tập trung đầu tư công trình phục vụ lợi ích công cộng mà các nguồn khác không tham gia; xử lý triệt để hiện tượng đầu tư dàn trải, có chế độ kiểm toán bắt buộc mọi dự án sử dụng vốn ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.