(HNM) - Cần xem xét kỹ cách phân bổ, hiệu quả sử dụng của ngân sách - Đó là đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 10-4, khi xem xét quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh, xét về tổng thể giai đoạn vừa qua, cả 4 nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước đều tăng so với dự toán được giao. Trong đó, thu từ dầu thô tăng 40.905 tỷ đồng, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 35.812 tỷ đồng, thu cân đối từ xuất nhập khẩu tăng 17.065 tỷ đồng, các khoản thu về nhà, đất tăng 25.918 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng), thấp hơn chỉ tiêu được QH giao (5,3%). Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 với tổng số thu cân đối là 962.982 tỷ đồng, tổng số chi là 1.034.244 tỷ đồng.
Các con số trên đã được Kiểm toán Nhà nước thống nhất, các bộ, ngành, Kho bạc Nhà nước đối chiếu, bảo đảm khớp đúng. Tuy nhiên, đi vào phân tích các thông số liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển tỏ ra khá lo ngại về hiệu quả trên thực tế. Theo ông Phùng Quốc Hiển, mặc dù giảm bội chi, song các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng, thiếu hụt nguồn hoàn thuế đã làm cho kết quả giảm bội chi không có nhiều ý nghĩa về tài khóa. Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là số thu ngân sách nhà nước vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng (chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 18,13% so với năm 2010), việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và tăng thu các khoản về nhà, đất. Yếu tố từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu. Điều đó phản ánh thu ngân sách nhà nước tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc.
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của QH - cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa UBND cấp tỉnh, huyện và cấp xã trong việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Mặt khác, để bảo đảm tính minh bạch, trong dự thảo luật cần bổ sung một số quy định về thời gian phân tích nguy cơ dịch hại, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức kiểm dịch thực vật vùng với tổ chức bảo vệ thực vật địa phương trong việc kiểm tra, kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.