(HNM) - Trong khi các địa phương đang loay hoay tìm cách làm phù hợp cho Quỹ Bảo vệ môi trường thì mô hình này tại Hà Nội nổi bật lên với khả năng huy động nguồn vốn...
Sản xuất đường glucose và mạch nha tại Công ty CP thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Những năm qua, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội đã hỗ trợ cho rất nhiều dự án giảm thiểu ÔNMT trên địa bàn. Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương, huyện Hoài Đức là một doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm đường glucose và mạch nha luôn chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương cho biết: Để có được môi trường xanh, sạch, đẹp như vậy, ngoài sự nỗ lực của đơn vị, còn có thêm sự giúp đỡ về vốn vay của Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội. Theo bà Giang, từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp đã có thêm nguồn lực đầu tư đồng bộ khu xử lý nước thải, thu gom nước sinh hoạt, chất thải rắn, hoàn thiện hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Không riêng Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương, thời gian qua, nhờ vốn vay ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội, nhiều doanh nghiệp có thêm sự hỗ trợ quan trọng để bảo vệ môi trường theo chủ trương chung của thành phố. Qua sự hỗ trợ của quỹ, nhiều doanh nghiệp trong danh sách ô nhiễm nghiêm trọng có nguy cơ đóng cửa hoặc giải thể đã khắc phục ô nhiễm, sản xuất bền vững. Ông Nguyễn Thanh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang có trụ sở tại xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh cho rằng, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội được xem là "cái phao về tài chính" của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển xử lý chất thải. Hiện doanh nghiệp đang triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến rác, có công suất 200 tấn/ngày đêm tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, với tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng. Công ty đã được hỗ trợ vay vốn giai đoạn 1 để đầu tư máy móc, thiết bị từ Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội 45,3 tỷ đồng, thời gian vay 10 năm, lãi suất 6%/năm và dự kiến giai đoạn II vay 68 tỷ đồng. Từ đồng vốn vay, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở địa bàn các huyện phía tây của thành phố. Dự án đầu tư xây dựng lò đốt chất thải công nghiệp, công suất 2 tấn/giờ tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn có tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) làm chủ đầu tư cũng vừa được vay gần 14 tỷ đồng vốn ưu đãi của quỹ. Trên địa bàn Thủ đô, mỗi ngày phát sinh khoảng 6.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 1.958 tấn chất thải công nghiệp, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Đây là những thách thức lớn cho công tác quản lý và cũng là gánh nặng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, được tiếp cận vay vốn dài hạn, với lãi suất ưu đãi từ quỹ đã giúp doanh nghiệp, phần nào giải được bài toán khó khăn về vốn đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: Năm 2013, quỹ đã trình Hội đồng quản lý quỹ phê duyệt 5 dự án vay vốn với số tiền 103 tỷ đồng; tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn của 9 doanh nghiệp, số tiền hơn 370 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ đã thực hiện hiệu quả chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường"; hoàn thành việc khảo sát, lập phương án thí điểm hạn chế ÔNMT làng nghề nông thôn bằng chế phẩm sinh học tại xã Bích Hòa (Thanh Oai), xã Cộng Hòa (Quốc Oai) và một số làng nghề của huyện Hoài Đức để giảm thiểu ô nhiễm... Bà Thanh cho biết thêm: "Chúng tôi luôn cố gắng phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường hơn nữa, đồng thời vận động thêm các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ cho quỹ để đáp ứng cho các dự án bảo vệ môi trường; mở rộng các hình thức, mô hình hoạt động đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.