Theo dõi Báo Hànộimới trên

3 thách thức đe dọa an ninh châu Á - Thái Bình Dương

Ánh Dương| 04/08/2019 07:46

(HNMO) - Năm 2015, trong khi Bắc Phi - Trung Đông trở thành lò lửa với xung đột leo thang tại nhiều quốc gia, châu Âu lao đao với khủng hoảng nhập cư và các cuộc khủng bố đẫm máu, thì châu Á được coi là khu vực tương đối ổn định. Tuy nhiên, năm 2016, châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với những nguy cơ an ninh có thể đe dọa tới sự phát triển của khu vực.

Tuy nhiên, năm 2016, châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với những nguy cơ an ninh có thể đe dọa tới sự phát triển của khu vực.

Chạy đua vũ trang

Đầu tiên phải kể đến là cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong năm vừa qua, châu Á-Thái Bình Dương lại tiếp tục chứng kiến các quốc gia không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Một loạt các quốc gia trong khu vực đều đang gia tăng ngân sách quốc phòng. Không chỉ những cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản mà các nước vừa và nhỏ như cũng hối hả mua sắm tàu ngầm và các vũ khí hiện đại. 

Philippines đã sở hữu 8 máy bay trực thăng W3A Sokol, mua của công ty trực thăng PZL Swidnik, Ba Lan, trị giá 3 tỷ Peso.


Philippines cũng đang mạnh tay chi cho quân đội để bảo vệ chủ quyền. Tổng thống Philippines Benigno Aquino mới đây đã hứa sẽ có các lực lượng vũ trang có khả năng và mạnh hơn để đối phó với các thách thức ở Biển Đông khi ông rời nhiệm sở vào năm tới. Ông hứa sẽ chi khoảng 83,9 tỷ peso (khoảng 1,77 tỷ USD) trong giai đoạn 5 năm đến năm 2017 để tăng cường quân đội khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền ở hầu hết Biển Đông. Kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Aquino chỉ mới được phê duyệt cuối năm 2015, nên khoản tiền khổng lồ trên sẽ được chi ra trong những tháng tới.

Tình hình này báo hiệu nguy cơ các nước sẽ bị lôi cuốn vào việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, thay vì dựa vào luật pháp quốc tế.

Tranh chấp lãnh thổ

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có rất nhiều điểm nóng tiềm tàng, đa số xuất phát từ những tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Tất cả các chính phủ liên quan đều mong muốn những xung đột sẽ được kiềm chế ở mức thấp nhất có thể. Nhưng đáng nói là các tranh chấp đều rất phức tạp với nhiều nhân tố địa-chính trị, địa-kinh tế đan xen. Trong bối cảnh lòng tin giữa các quốc gia không được củng cố, chỉ cần một sự cố hay hiểu nhầm ngoài dự kiến cũng có thể khiến cho xung đột tiềm tàng bùng phát. 

Trung Quốc vừa tiến hành thử máy bay trên đá Chữ Thập.


Trong đó, đáng quan ngại hơn cả hiện nay là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, với việc Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng các đảo nhân tạo để hiện thực hóa yêu sách ngang ngược của mình khi nước này tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên cái gọi là "Đường 9 đoạn".

Mới đây, ngày 2/1, Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm tại sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự kiện này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực ngay những ngày đầu tiên của năm 2016.

Trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương đang thiếu vắng các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực lại càng đáng lo ngại. Bên cạnh đó, tranh chấp quần đảo Kuril giữa Nga và Nhật Bản, tranh chấp quần đảo Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc tuy không quá nóng bỏng nhưng cũng là những mối đe dọa an ninh tiềm tàng với khu vực.

Cạnh tranh Mỹ-Trung

Thách thức thứ ba xuất phát từ cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Sự trỗi dậy và bành trướng của Trung Quốc song song với chính sách xoay trục, tái cân bằng của Mỹ đang khiến cho cuộc đua giữa hai “ông lớn” càng trở nên gay gắt. Một trật tự lưỡng cực Mỹ-Trung ngày càng hình thành rõ nét đang gây ra những tác động tiêu cực do môi trường địa chính trị của châu Á-Thái Bình Dương vốn đã tồn tại nhiều nguy cơ bất ổn.

Cạnh tranh Mỹ - Trung có thể tác động tiêu cực đến tình hình an ninh khu vực.


Bối cảnh này sẽ tạo ra nhiều kịch bản khác nhau ở khu vực và khả năng lớn nhất là Trung Quốc sẽ duy trì lập trường quyết đoán ở Biển Đông, trong khi Mỹ sẽ tiếp tục đưa chính sách "tái cân bằng" đến Đông Á với sự hỗ trợ của các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Điều này khiến cho khả năng đốt nóng tình hình luôn thường trực.

Có thể thấy những vấn đề an ninh nổi cộm năm 2015 vẫn tiếp tục là những thách thức nghiêm trọng đối với châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2016 này, đe dọa sự ổn định và phát triển của khu vực kinh tế “năng động” nhất thế giới. Để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực đòi hỏi phải có sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 thách thức đe dọa an ninh châu Á - Thái Bình Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.