Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả lớn từ phong trào thi đua

Hiền Thu| 09/04/2023 07:11

(HNM) - Hiện nay, các phong trào thi đua trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều mô hình phong phú, thiết thực đã và đang thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và thành phố nói chung.

Cán bộ công chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính”.

Nhiều mô hình thiết thực

Điều dễ nhận thấy ở thành phố Hà Nội là luôn có nhiều phong trào thi đua được phát động, duy trì liên tục, được cán bộ và người dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét trong chặng đường phát triển của Thủ đô. Điển hình như, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; “Đẩy mạnh cải cách hành chính”; “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; “Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp”; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… đã được triển khai sôi nổi tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và đạt kết quả rõ nét.  

Thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính”, thành phố đã phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố; chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp… Năm 2021, Chỉ số PAR Index thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; Chỉ số SIPAS đạt 87,11% (tăng 3 bậc so với năm 2020); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 39 bậc so với năm 2020).

Hà Nội còn là một trong những địa phương đi đầu phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” nhằm thực hiện có hiệu quả 2 quy tắc ứng xử của thành phố. Cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức và người dân Thủ đô không ngừng nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng.

Tương tự, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, đến nay, trong tổng số 32 chỉ tiêu, đã có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 13 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước, với 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Rõ trọng tâm và giải pháp

Trong quá trình triển khai phong trào thi đua, các địa phương, đơn vị đã có nhiều giải pháp sáng tạo. Tại quận Hoàng Mai, năm 2022 có 19/19 chỉ tiêu hoàn thành (trong đó 11 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức thành phố giao). Toàn quận có 19 hộ thoát nghèo, đạt 380% kế hoạch; giải quyết 5.816 việc làm cho người lao động, đạt 104% kế hoạch.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ quận đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quận đã xác định công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời đề ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn chú trọng thực hiện phương châm: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Nhiều nội dung thiết thực được áp dụng như, các đơn vị tạo QR Code để người lao động quét mã qua ứng dụng Zalo khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; bố trí phòng chờ cho công dân…

Đáng chú ý, các cấp, ngành, địa phương đều gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với các phong trào thi đua khác. Qua đó, khơi dậy tinh thần cống hiến, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; số tập thể, cá nhân được khen thưởng năm sau nhiều hơn năm trước.

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (Sở Nội vụ Hà Nội) Nguyễn Công Bằng cho biết, kể từ khi phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (năm 1992) đến nay, hằng năm, thành phố Hà Nội đều tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, biểu dương “Người tốt, việc tốt” và đánh giá kết quả thực hiện phong trào. Sau 30 năm thực hiện phong trào, Hà Nội đã có gần 30.000 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, 119 cá nhân được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức hội nghị biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2022, phát động đợt thi đua cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2023).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả lớn từ phong trào thi đua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.