Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả không chỉ tính bằng tiền

Đan Nhiễm| 23/11/2012 06:25

(HNM) - Từ năm 1998 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình chuyển giao KHCN về nông thôn, miền núi (chương trình NTMN).

Các dự án này đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển một số sản phẩm lợi thế của địa phương; cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường... nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, đưa hoạt động KHCN gắn bó với đời sống.

Sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội hướng dẫn người dân tại vùng cao tỉnh Cao Bằng cách chăm sóc cây trồng. Ảnh: Đình Trân


"Lội ruộng" cùng nông dân

Ông Nguyễn Thế Ích, Quyền chánh văn phòng Chương trình NTMN (Bộ KHCN) cho biết, qua hoạt động chuyển giao công nghệ, hàng nghìn lượt nhà khoa học đã trực tiếp hướng dẫn cho người dân trồng cây, nuôi con bằng các giống mới theo cách "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Kết quả của chương trình đã giúp nhiều hộ dân thoát đói, giảm nghèo và nhiều doanh nghiệp vươn lên làm giàu.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải, cơ chế đầu tư cho các dự án này thực hiện theo phương thức xã hội hóa, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 40-45%, số còn lại là đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Cách làm này khiến cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn kinh tế, xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho nông dân, kể cả đồng bào dân tộc được hưởng thành quả do tiến bộ KHCN mang lại.

Một trong những địa phương nhận được nhiều dự án NTMN là tỉnh Nghệ An nay đã phát huy hiệu quả cao. Tiêu biểu là dự án "Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp" với công suất 100 tấn/năm đã đáp ứng căn bản nhu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp tại tỉnh. "Sau khi dự án được nghiệm thu, hàng chục lớp tập huấn về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh được mở, đã sản xuất được 50 tấn chế phẩm và hàng trăm nghìn tấn phân bón vi sinh. Giá của sản phẩm chỉ bằng 1/4 so với thị trường trong khi góp phần tăng năng suất cây trồng từ 15-20%" - ông Phạm Hồng Hải (Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An) cho biết.

Không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận KHCN, các chương trình NTMN còn góp phần huy động được đông đảo doanh nghiệp tham gia làm chủ các dự án. Lực lượng này có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của dự án vì hơn ai hết, họ có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm thị trường. Hơn nữa, họ có khả năng phát triển sản phẩm sau khi dự án kết thúc. Điển hình như dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh" do Công ty TNHH Đỗ Tờ chủ trì đã đưa loại hải sản này trở nên phổ biến trên thị trường. Doanh thu của công ty này đã đạt 150 tỷ đồng năm 2007 và 200 tỷ đồng trong năm 2010, tạo việc làm mới cho hàng nghìn hộ gia đình.

Nhiều việc phải làm

Không thể phủ nhận một điều, so với nhu cầu đưa tiến bộ kỹ thuật về ứng dụng tại các vùng NTMN thì khoảng 800 dự án đã và đang triển khai là con số quá nhỏ bé. Do đó, chọn, bỏ dự án nào và làm sao để nhân rộng các mô hình đã ứng dụng thành công trở thành bài toán khó với các nhà quản lý.

Ông Nguyễn Thế Ích cho biết thêm, hằng năm, mỗi địa phương thường đề nghị 3-5 dự án trong khi số được phê duyệt chỉ được khoảng 1,4. Do đó, có tình trạng địa phương đề nghị 9 dự án nhưng chỉ được phê duyệt 2 trong khi 7 dự án còn lại có nội dung, mục tiêu phù hợp nhưng không được chọn.

TS Vũ Thị Bích Hậu (Phó Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng) cho rằng, để các dự án triển khai thực sự hiệu quả thì công nghệ lựa chọn phải gắn với đời sống. Nội dung chuyển giao phải giải quyết được các vấn đề then chốt còn vướng mắc của thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương, đồng thời phải phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng và khả năng đầu tư.

Theo TS Lê Hồng Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, để chương trình NTMN phát huy hiệu quả cao cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học, các đơn vị chuyển giao có hiệu quả. Ngoài ra, nên ưu tiên đầu tư để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho các mô hình sản xuất dưới dạng doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, trang trại. Điều này giúp cho nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự cung tự cấp như hiện nay có điều kiện phát triển đạt được trình độ sản xuất lớn, phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thêm một vấn đề đáng lưu ý là để tránh tình trạng dàn trải hoặc đầu tư chồng chéo vào cùng một địa bàn, giúp cho các địa phương được thụ hưởng những thành quả mới nhất các tiến bộ kỹ thuật rất cần có chương trình lồng ghép các dự án thuộc chương trình NTMN với các chương trình khác cùng mục đích.

- Giai đoạn 1998-2010: Đã triển khai 533 dự án trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố với số tiền giải ngân là khoảng 1.056 tỷ đồng; xây dựng hơn 1.000 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo được 2.500 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn công nghệ cho hơn 50.000 lượt nông dân.

- Từ năm 2011 đến nay, đã phê duyệt 278 dự án với kinh phí 1.300 tỷ đồng. Dự kiến huy động 600 lượt cán bộ khoa học về phục vụ tại địa phương và tập huấn cho 61.500 lượt nông dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả không chỉ tính bằng tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.