Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả giáo dục tăng, chênh lệch chất lượng giảm

Thống Nhất| 01/08/2015 06:44

(HNM) - Năm học 2014-2015 khép lại với nhiều dấu ấn trên chặng đường 7 năm Thủ đô Hà Nội thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính.

Không chỉ phát triển mạnh về quy mô, 7 năm qua, Hà Nội luôn giữ vững vị thế đơn vị dẫn đầu toàn quốc về các chỉ tiêu GD-ĐT. Điều kiện và chất lượng giáo dục chuyển biến toàn diện ở mọi địa bàn, tạo nền tảng quan trọng cho giáo dục Thủ đô trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ.



Tăng cường hiệu quả quản lý

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Một trong những yếu tố tích cực góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục toàn diện ở Thủ đô những năm qua là sự đột phá trong đổi mới công tác quản lý ngành. Với quy mô rất lớn - gần 130 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp học, việc thống nhất chủ trương, đồng lòng và quyết liệt trong điều hành, triển khai được lãnh đạo Sở GD-ĐT coi là yêu cầu quan trọng. Việc tham mưu, xây dựng các văn bản quản lý đều nhằm tăng cường tính tập trung và hiệu lực quản lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong quản lý, điều hành từ cấp thành phố đến các cơ sở đồng thời bảo đảm dân chủ và tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Tinh thần ấy được thể hiện qua 14 chữ: "Bám sát cơ sở, kỷ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá" mà bất kỳ một cán bộ, giáo viên nào cũng nằm lòng. Sự đồng tâm, kiên trì ấy đã giải quyết khá căn bản những vấn đề bức xúc tồn tại nhiều năm của giáo dục, điển hình như công tác tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm, thu chi, quản lý nhà trường…

Vài ba năm gần đây, có thể thấy rõ, công tác tuyển sinh đầu cấp đã dần đi vào nền nếp. Việc phân cấp, giao quyền chủ động, sát sao với cơ sở của các cấp quản lý ngành đã hỗ trợ và kịp thời có những quyết sách phù hợp trong điều hành để vừa thực hiện đúng quy định, vừa trúng yêu cầu thực tế. Kế hoạch phân tuyến tuyển sinh của các quận, huyện linh hoạt hơn theo các điều kiện thực tế (mạng lưới trường lớp, giáo viên, số lượng học sinh trên địa bàn). Tính đến mùa tuyển sinh năm học 2015-2016, tình trạng xếp hàng xin học, "điểm nóng" về tuyển sinh không còn. Nhu cầu về chỗ học được đáp ứng ngày càng tốt hơn, hạn chế được những bức xúc trong phụ huynh. Những hành vi tiêu cực mang tính chất tập thể trong thi cử được kiểm soát.

2014-2015 còn là năm học ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết và nghiêm khắc trong công tác quản lý dạy thêm học thêm và thu chi tài chính ở các nhà trường, góp phần làm lành mạnh môi trường giáo dục, giữ vững niềm tin của phụ huynh. Những băn khoăn, trăn trở của phụ huynh về những khoản đóng góp cho nhà trường giảm dần; tình trạng dạy thêm tràn lan cơ bản được giải quyết. Đây là bước cụ thể hóa từ những văn bản quy định về cơ chế chính sách mà Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới, như Văn bản số 22/2013/QĐ-UBND về dạy thêm học thêm; Văn bản số 51/2013/QĐ-UBND quy định thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập…

Năm học 2014-2015, Hà Nội có 2.574 cơ sở giáo dục, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi điều chỉnh địa giới hành chính. Quy mô học sinh là hơn 1,6 triệu ở các cấp học. Tỷ lệ HS theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là hơn 11%, tương ứng với gần 190 nghìn HS.

Rút ngắn khoảng cách giữa các địa bàn

Việc tập trung trong đổi mới quản lý, điều hành từ cấp thành phố đến cơ sở đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà nhằm giảm dần sự khác biệt nhất định giữa các địa bàn cũ và mới sau khi điều chỉnh địa giới được lãnh đạo ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng năm.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ là hai yếu tố quan trọng được tập trung triển khai trong giai đoạn vừa qua nhằm đạt mục tiêu trên. Hà Nội đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2015; bổ sung và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách với đội ngũ giáo viên. Đáng chú ý là việc tham mưu với thành phố ban hành cơ chế cho hơn 26 nghìn giáo viên mầm non nông thôn được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước. Công tác tuyển dụng được phân cấp cho cơ sở trên tinh thần gắn trách nhiệm với quyền hạn. Kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng hằng năm tăng từ 8 tỷ đồng (năm 2008), đến nay là hơn 20 tỷ đồng. Chất lượng dạy học của đội ngũ nhà giáo Thủ đô ngày càng đồng đều hơn ở các nhà trường, tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng không còn.

Việc cải tạo, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Thành phố đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xóa 6.500 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp, trong đó chủ yếu là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều chính sách đặc thù cho các huyện khó khăn như Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức… Số trường chuẩn quốc gia mỗi năm tăng trung bình khoảng 4-5%. Toàn thành phố hiện có hơn một nghìn trường học đạt chuẩn, chiếm gần 50% tổng số trường - cao nhất cả nước. So với 7 năm trước, số trường học được công nhận đạt chuẩn tăng thêm hơn 500 trường.

Nhìn lại chặng đường 7 năm qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhận định: Mặc dù quy mô lớn nhất cả nước, nhiều trường học ở địa bàn rất khó khăn, song đến nay, về cơ bản, diện mạo của các nhà trường đã cải thiện nhiều, cả về hình thức và chất lượng giáo dục. Đội ngũ nhà giáo Thủ đô phát triển mạnh cả về lượng và chất, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức tốt. Khoảng cách chênh lệch về các điều kiện phục vụ dạy học và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền ngày càng được rút ngắn lại. Bảng thành tích hằng năm của ngành mỗi năm lại dày thêm bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều của những gương mặt mới đến từ những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn. Đây là minh chứng cho sự đúng đắn, phù hợp của một chủ trương lớn trong 7 năm qua. Kết quả cũng là cơ sở để giáo dục Thủ đô vững tin trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với chất lượng cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả giáo dục tăng, chênh lệch chất lượng giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.