(HNM) - Sau một tuần thành phố Hà Nội thực hiện cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành, cảm nhận đầu tiên của đa số người dân là hè phố đã thông thoáng hơn.
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh đã thông thoáng không còn hiện tượng dừng, đỗ xe dưới lòng đường. |
Ông Vũ Văn Sơn (ngõ 371, phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình): Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án của UBND thành phố Hà Nội. Đây là phương án khả thi, ít tốn kém nhất để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Lâu nay, do đất chật, người đông, người dân Hà Nội đã nghiễm nhiên coi vỉa hè, lòng đường là nơi gửi xe, nơi bày bán hàng hóa, kinh doanh, tổ chức sự kiện... Chính quyền và các lực lượng chức năng xử lý, nhưng chỉ được vài hôm, mọi chuyện lại đâu hoàn đấy. Thậm chí, cơ quan chức năng vừa khuất bóng, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lại tiếp diễn. Trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển phương tiện cá nhân, thì việc đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè đã trở thành nguyên nhân trực tiếp gây cản trở, ùn tắc giao thông. Việc thành phố rà soát, rút giấy phép tại 262 điểm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường là hoàn toàn hợp lý. Sự tồn tại của các điểm trông giữ này chỉ đem lại lợi ích cho một số cá nhân, nhưng lại gây ùn tắc giao thông và không đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu chỉ hy sinh lợi ích của một nhóm người, nhưng cả cộng đồng được hưởng lợi thì tại sao không làm? Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra lệnh "cấm", mà không kèm theo những giải pháp giải quyết điểm đỗ cho người dân thì chưa đủ. Song song với việc cấm đỗ xe ở lòng đường, vỉa hè, thành phố cần có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, xã hội hóa việc xây dựng các bãi đỗ xe bằng cách tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, miễn giảm tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư… Với các dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe bị "biến tướng" cần rút giấy phép và xử phạt mạnh tay để tránh lặp lại.
Ông Đinh Trọng Phong (số nhà 21, ngõ 67, phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên): Chỉ một tuần thực hiện việc cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố tại 9 quận nội thành, tôi thấy đường sá Hà Nội thông thoáng, phong quang hẳn. Ai cũng biết, làm đường là để đi lại, chứ không phải để trông giữ xe. Trong điều kiện giao thông tĩnh đang thiếu trầm trọng như hiện nay, thành phố có thể xem xét cho phép tồn tại một số điểm đỗ trên lòng đường, vỉa hè tại một số tuyến đường rộng, lưu lượng phương tiện qua lại ít, nhưng không thể biến tất cả các lòng đường, vỉa hè thành điểm trông giữ xe tràn lan. Nhưng tôi e, việc "cấm" mới chỉ là giải pháp tạm thời. Thực tế, sau khi các điểm trông giữ xe tại các tuyến phố lớn bị rút giấy phép, đã có nhiều điểm trông giữ xe tự phát trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ được hình thành. Nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn, nếu chỉ cấm mà không có giải pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, thì cấm chỗ này, chỗ khác lại "mọc" lên, lực lượng chức năng có ba đầu sáu tay cũng không xử lý hết vi phạm. Để giải quyết triệt để, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp như phát triển mạng lưới giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt; kiên quyết xóa các điểm trông giữ xe trái phép, không phép, vi phạm quy định; nhanh chóng phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông tĩnh…
Bà Dương Thị Kim Phúc (nhân viên trông giữ điểm đỗ xe phố Hàng Trống, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội): Sau khi thực hiện việc rút biển trông giữ xe, xóa vạch vôi trên phố Hàng Trống, chúng tôi có nhiệm vụ chốt trực để tiếp nhận thanh lý hợp đồng trông giữ xe. Chúng tôi thấy rằng, mặc dù điểm đỗ xe trên phố Hàng Trống đã bị "xóa sổ", song người dân vẫn dừng, đỗ ô tô tại vị trí trông giữ trước đây. Điều đó dễ dẫn đến hiểu lầm là điểm trông giữ vẫn hoạt động, nhưng thực tế chúng tôi không thu tiền và không còn trách nhiệm liên quan. Người đỗ sai sẽ phải chịu xử lý. Tuy nhiên, vì sự cần thiết trong công việc, giao dịch tại khu vực này cũng như lực lượng chức năng không thường xuyên kiểm tra nên tình trạng đỗ xe trên phố cấm vẫn cứ tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.