Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả chưa như mong muốn

Lâm Vũ| 28/02/2014 06:23

(HNM) - Ngày 26-2 vừa qua, Tổng cục Du lịch và Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức chương trình khảo sát tọa đàm về sản phẩm mới

Theo NSND Hương Thơm, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, chương trình biểu diễn "Đêm hoàng cung" kéo dài 50 phút gồm các tiết mục: Ông già cõng vợ đi xem hội, Liêm Cương thuần phục ngựa, Giá hầu đồng thờ mẫu... Đây là chương trình nghệ thuật tái hiện lại không gian cung đình thời phong kiến Việt Nam với sự hiện diện của đức vua, hoàng hậu, thái tử cùng bá quan văn võ triều đình. NSND Hương Thơm cho biết thêm, nhà hát sẽ biểu diễn các ngày thứ hai, thứ năm, chủ nhật, từ 17h-19h. Điểm đặc biệt là nhà hát sẽ có phần tương tác với khách du lịch. Khi thực hiện phần tương tác, nếu thích nhân vật nào trong chương trình du khách sẽ được hóa trang, mặc trang phục của nhân vật đó và khách du lịch có thể múa, diễn cùng các diễn viên. "Điều mong mỏi lớn nhất của nhà hát là các công ty du lịch đưa tuồng vào đúng tour. Giống như việc du khách đến Trung Quốc xem Kinh kịch, đến Nhật Bản là xem kịch Nô, nhà hát cũng mong rằng du khách đến Việt Nam là xem rối nước, xem tuồng", NSND Hương Thơm chia sẻ.

Trích đoạn Liêm Cương thuần phục ngựa - một tích mẫu mực cho nghệ thuật múa tuồng sẽ được đưa vào chương trình biểu diễn “Đêm hoàng cung”.



Nhận xét về chương trình "Đêm hoàng cung" và những sản phẩm, dịch vụ của nhà hát, bà Trần Thị Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen rừng cho rằng, chương trình rất hay, diễn viên diễn xuất tốt, trang phục, âm thanh, ánh sáng đẹp, tuy nhiên, cái khó trong việc đưa các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Việt Nam vào tour là nhà hát phải duy trì buổi biểu diễn thường xuyên. Trước đây, các công ty lữ hành thường xuyên gửi khách đến nhà hát nhưng có những buổi, nhà hát ít khách quá, không duy trì lịch diễn. Và điều này đã gây khó khăn cho các hãng lữ hành. Bởi lẽ khi hãng lữ hành xúc tiến chương trình trên và bán cho đối tác ở nước ngoài, các công ty nước ngoài đưa vào tour, khi khách sang đến Việt Nam mà nhà hát không hoạt động thì không chỉ du khách bất bình, các công ty lữ hành Việt Nam cũng bị mất uy tín. Bà Trần Thị Huyền Thanh cũng cho biết thêm, muốn bán chương trình thì nhà hát phải chấp nhận bù lỗ trong một giai đoạn nhất định, vì rất đơn giản một sản phẩm du lịch mới đem chào bán không thể ngay lập tức có khách mua mà phải có thời gian ít nhất là vài tháng để quảng bá, chào bán, thậm chí phải thuyết phục du khách dùng thử sản phẩm mới này với những ưu đãi riêng.

Việc đưa các chương trình nghệ thuật vào trong tour du lịch là một chủ trương đúng đã được cơ quan quản lý đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng không nhiều nhà hát thực hiện thành công. Đánh giá về các chương trình nghệ thuật đã dựng với mục đích đưa vào trong tour du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, hiệu quả các chương trình mang lại không như mong muốn, điều này thể hiện qua số lượng nhà hát có khách du lịch mang tính ổn định, thường xuyên không cao. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên nhân là do cơ chế bao cấp để lại. Các đơn vị hoạt động văn hóa của chúng ta trước đây hưởng lương sự nghiệp. Nếu hoạt động nhiều họ không được gì, nếu không hoạt động cũng không mất gì, vì thế nên họ có tâm lý ngại làm, ngại đảm nhận những việc mới, việc khó. Một vấn đề nữa là các đơn vị hoạt động văn hóa không hiểu được yếu tố mang tính đặc thù của sản phẩm du lịch là rất cần thời gian. Sau khi làm hợp đồng hoặc cam kết từ 6 tháng đến một năm sản phẩm mới thực hiện được. "Khác với sản phẩm thương mại là cái ấm, cái chén sờ được, bán theo tay, sản phẩm du lịch cần một khoảng thời gian vì phải xây dựng sản phẩm, giá tour, khách hàng đăng ký và thực hiện tour. Vì vậy, các nhà hát thường bị hẫng, không duy trì được các buổi diễn dẫn đến tình trạng không thực hiện đúng cam kết. Hậu quả là các doanh nghiệp bị vỡ chương trình" - Ông Nguyễn Mạnh Cường nói. Một vấn đề nữa là để đưa các chương trình nghệ thuật vào tour, các nhà hát phải chủ động trong việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm và phải phục vụ khách du lịch dựa theo nhu cầu của khách chứ không phải phục vụ cái nhà hát sẵn có. Do vậy, các nhà hát cần đổi mới nhân lực, người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm.

Theo ông Đào Trọng Đức, Công ty Vidotour, đối với một số đơn vị chưa có lịch hoạt động thường xuyên như Nhà hát Tuồng Việt Nam, rất khó để đưa chương trình vào tour. Tuy nhiên, có một cách khắc phục là những nhà hát chưa có khả năng duy trì biểu diễn thường xuyên nên có sự kết hợp với nhau để các buổi biểu diễn nghệ thuật thông suốt trong một tuần, ngày nào cũng có nhà hát biểu diễn, lịch biểu diễn các nhà hát so le nhau để bảo đảm đến Việt Nam vào một thời điểm nhất định thì ngày nào khách du lịch cũng có thể được thưởng thức những chương trình nghệ thuật của các nhà hát khác nhau. Như vậy, cả doanh nghiệp lữ hành và nhà hát mới cùng có lợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chưa như mong muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.