Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả chưa bền vững

Linh Nhi| 14/04/2012 04:19

(HNM) - Kết quả nổi bật 5 năm qua của Đề án 02-212 "Tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư", do MTTQ thành phố (TP) làm nòng cốt là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm số vụ việc phức tạp và vi phạm pháp luật, nhân dân đoàn kết, gắn bó, chung tay xây dựng khu phố, khu dân cư (KDC) ngày càng văn minh, tiến bộ...

Dân hưởng ứng, hiệu quả cao

Ở phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), nhắc đến Đề án 02-212, nhiều người có thể nói vanh vách về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc thực hiện đề án này. Theo ông Nguyễn Hoàng An, ở tổ dân phố số 16 thuộc KDC số 4 thì trước khi đề án này được triển khai trên địa bàn, ông cũng như người dân ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức pháp luật, muốn giải quyết việc gì đó liên quan đến pháp luật, ông và bà con rất lúng túng. Nhưng đến nay, điều này đã được khắc phục bằng việc liên tục cập nhật văn bản, quy định mới nhất về mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các cán bộ "nhóm nòng cốt" ở KDC do MTTQ thành lập, hoặc tìm hiểu ở tủ sách pháp luật KDC.

Phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Bá Hoạt

Ông Trịnh Xuân Mùi, Chủ tịch MTTQ phường Hoàng Văn Thụ cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh và có số người tạm trú đông, tệ nghiện hút, trộm cắp tài sản và tranh chấp đất đai có thời điểm là vấn đề "nóng" của phường. Do đó, việc tuyên truyền pháp luật liên quan đến đất đai và các vấn đề liên quan trên địa bàn vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, vừa tạo sự cảm thông, chia sẻ, tạo sự gắn kết trong nhân dân, vận động giúp đỡ nhau chấp hành pháp luật tốt hơn. Sau 6 năm thực hiện Đề án 02-212, trên địa bàn phường không có khiếu kiện vượt cấp, không có trọng án, số người nghiện giảm dần...

Tại phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), 9 nhóm nòng cốt thực hiện Đề án 02-212 ở 9 KDC được hình thành và vận hành khá "trơn tru". Các thành viên của nhóm chủ động phối hợp với trưởng các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện các nội dung tuyên truyền. Đặc biệt nhóm nòng cốt thường xuyên phối hợp với tổ hòa giải ở các tổ dân phố, giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Nhờ vậy hai năm gần đây, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân được nâng lên, trên địa bàn phường không có khiếu nại vượt cấp, không có trọng án...

Đáng quan tâm là, từ khi thực hiện Đề án 02-212 đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như KDC phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) có sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong xây dựng nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) phát huy vai trò các tổ dân phố, cảnh sát khu vực để tuyên truyền pháp luật; xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), vận động nhân dân ăn cơm sớm để kịp giờ nghe buổi truyền thanh về pháp luật; xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) nêu cao vai trò dòng họ trong chấp hành pháp luật…

Vẫn còn khoảng trống

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch MTTQ TP cho biết, hiện nay, toàn thành phố đã xây dựng được 4.019 nhóm nòng cốt với 23.801 thành viên, gồm đại diện các chi hội, đoàn thể và những người am hiểu pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư, có năng lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật. MTTQ TP hỗ trợ mỗi nhóm nòng cốt 1 triệu đồng/năm. Thực tế, dù không có thù lao nhưng các nhóm nòng cốt đã phối hợp với đài truyền thanh cơ sở, tổ chức hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân, góp phần hạn chế các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, các vi phạm pháp luật trên địa bàn dân cư. Song, thực tế cho thấy, tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa ý thức đầy đủ hoặc cố tình không chấp hành quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực như trật tự xây dựng, an toàn giao thông. Nhiều cán bộ MTTQ ở cơ sở cho rằng tình trạng đó là do sự tùy tiện trong cách nghĩ, cách làm đã "ăn sâu" trong tiềm thức của không ít người dân ít hiểu biết về luật pháp. Mặt khác, có căn nguyên từ những bức xúc, kiến nghị của dân chậm được chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, làm giảm lòng tin đối với việc thực thi luật pháp.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cần được khắc phục như tài liệu tuyên truyền chưa phong phú, đầy đủ; văn bản, quy định pháp luật nhiều lại luôn thay đổi, trong khi đó trình độ của không ít cán bộ nhóm nòng cốt chưa đáp ứng yêu cầu nên khó tránh khỏi lúng túng, hiệu quả thấp. Cơ chế quản lý tủ sách pháp luật ở KDC chưa rõ nên chưa phát huy hiệu quả. Có thể thấy rõ điều này ở KDC 12, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), tủ sách pháp luật ở đây rất đầy đủ, phong phú, nhưng không có người trông nom, tủ sách chỉ được mở vài lần mỗi tháng những khi hội họp, nhiều người dân muốn đến đọc sách nhưng không có người mở cửa.

Đây cũng là tình trạng chung tại hầu hết các KDC và cũng là băn khoăn của nhiều cán bộ MTTQ ở cơ sở. Để Đề án 02-212 thực sự đi vào cuộc sống hiệu quả, bền vững, cần kịp thời bổ khuyết, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Mặt khác MTTQ TP cần tăng cường kiểm tra, rút kinh nghiệm, khích lệ nhân rộng những mô hình tốt, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, bất cập, tránh tình trạng "khoán trắng", "đầu voi đuôi chuột"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chưa bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.